Tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có trên 55.000 doanh nghiệp (DN); trong đó có khoảng 7.100 DN lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (gọi chung là nông nghiệp), chiếm 16,62% số DN nông nghiệp cả nước. Giai đoạn 2007-2017, số DN nông nghiệp tăng mạnh nhất, từ 804 DN lên 2.943 DN; lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản tăng từ 382 DN lên 2.209 DN…
Các dự báo về thị trường cho thấy, ĐBSCL có cơ hội rất lớn để mở rộng thị trường cho các sản phẩm mà vùng có lợi thế; đặc biệt là lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây. Song, để nắm vững cơ hội này cần sự hỗ trợ kịp thời cho DN nông nghiệp, bởi đây là lực lượng quyết định thị trường, sức tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, ĐBSCL là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch…
Thu mua, chế biến gạo xuất khẩu tại Công ty CP Gentraco (TP Cần Thơ). |
Đặc biệt, đóng góp đến 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỷ USD (gạo, tôm, cá tra, rau quả). Để tạo lập môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển DN, chính quyền các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã tích cực ban hành kế hoạch hành động, các chương trình, đề án triển khai thực hiện, trong đó, tập trung chú trọng cải cách hành chính, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tăng cường đối thoại và hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn lực phát triển (đất đai, tín dụng, thị trường, thông tin).
Nhờ đó, năm 2018, ĐBSCL tiếp tục được đánh giá là vùng có kết quả điều hành tốt nhất trong 7 vùng của cả nước với 5 tỉnh trong vùng lọt top 10 của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố vừa qua. “Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng và tạo điều kiện thuận lợi cho DN về vốn, về lãi suất, thủ tục cũng như đã cung cấp các dịch vụ tài chính an toàn, hiện đại và thuận lợi nhất cho khách hàng…”, ông Tú nói.
Ông Vũ Đức Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho rằng, sự phát triển của các DN nông nghiệp có vai trò quan trọng, đóng góp lớn cho sản xuất, xuất khẩu nông sản ĐBSCL. Các DN nông nghiệp tại ĐBSCL đang tạo ra nhiều việc làm hơn so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, có tới 95% số DN với quy mô nhỏ và vừa đang là thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp.
“Ngoài ra, phải khơi thông dòng vốn cho DN, nông dân. Bởi hiện nay xuất khẩu chính ngạch nông sản cũng gặp rất nhiều khó khăn. Các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu cũng khắt khe hơn, đòi hỏi DN, nông dân phải có nguồn lực đầu tư để sản xuất, để cạnh tranh”, ông Hùng cho biết.
Mới đây, tại hội nghị kết nối NH-DN do NHNN Việt Nam tổ chức tại TP Cần Thơ, nhiều DN nông nghiệp cho biết, cơ hội tiếp cận vốn đã được ngành NH “mở” hơn. Nhiều DN được cấp hạn mức rất cao, thệm chí có DN được cấp trên 1.000 tỉ đồng. Nhưng cũng không ít DN không tiếp cận được vốn, do vướng tài sản thế chấp, phương án kinh doanh khả thi, tài chính minh bạch...
Nhiều DN cho biết, họ chấp nhận rủi ro vay ngoài với lãi suất cao để kinh doanh, còn NH thì khẳng định thừa vốn. Giai đoạn 2016-2018, nông nghiệp vùng ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%/năm); đóng góp 34,6% GDP ngành Nông nghiệp cả nước và chiếm 33,5% GDP chung vùng ĐBSCL. Mức tăng trưởng này phần đóng góp rất lớn từ DN. Hơn nữa, thị trường trong nước, quốc tế có nhiều thuận lợi cho DN nông nghiệp phát triển.
Dự báo đến năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng cao nhất so với các nước trong khu vực. Ngành chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp được coi là một trong những ngành có nhiều tiềm năng và dư địa thị trường để thu hút đầu tư trong, ngoài nước.
Đây là cơ hội cho ngành Nông nghiệp vùng ĐBSCL tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Song để đạt mục tiêu này, cần một cộng đồng DN chung sức trong đầu tư, kết nối với nông dân tạo nên những vùng nguyên liệu rộng lớn và cần lực đẩy từ chính sách, sự vào cuộc của ngành NH trong cung ứng vốn cho DN.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, An Giang xem DN là động lực phát triển. Có DN mới có nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân… Vì vậy, tỉnh rất quan tâm đến việc kết nối với NH đang hoạt động tại địa phương để hỗ trợ DN. Tỉnh cũng thành lập Ban hỗ trợ DN đặt tại UBND tỉnh, với các thành viên là lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành. Ban giải quyết tất cả các khó khăn, vướng mắc của ngân hàng và DN vào sáng thứ sáu hằng tuần, sau cuộc họp sẽ có ngay thông báo kết luận giải quyết vấn đề.
Trong tiếp cận vốn, nếu có vướng mắc, UBND tỉnh và NHNN chi nhánh sẽ tổ chức cho 2 bên đối thoại với nhau để làm rõ các vấn đề. Đối thoại cũng để giải quyết câu chuyện NH nói thừa vốn, trong khi DN không tiếp cận được vốn.
“Để hai bên thấu hiểu nhau, tôi cho rằng ngành NH cần minh bạch thông tin, cán bộ thẩm định NH phải có tâm, có tầm và có niềm tin vào DN. Còn DN phải nâng cao năng lực quản trị của mình, thuyết phục NH cho vay vốn. Có như vậy, vốn mới khơi thông, ngành Nông nghiệp trong vùng mới có những bước chuyển mình mạnh mẽ hơn”, ông Nưng nói.