Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu vi phạm

Thứ Bảy, 14/11/2020, 09:03
Sở Công thương TP HCM cho biết vừa kiến nghị UBND thành phố về việc thành lập đoàn kiểm tra, để kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động công thương đối với tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.


Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp không phép trên địa bàn, ngày 13/11, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết vừa kiến nghị UBND thành phố về việc thành lập đoàn kiểm tra, để kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động công thương đối với tổ chức cá nhân có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Qua xác minh được biết, Công ty TNHH SX XNK Kelsey One (gọi tắt Công ty Kelsey One) và Công ty TNHH Caster City Việt Nam (gọi tắt Công ty Caster City Việt Nam), đều có cùng 1 địa điểm đăng ký hoạt động tại địa chỉ 82B/5 phường Hiệp Thành 17, phường Hiệp Thành, quận 12, TP Hồ Chí Minh và đều do ông Hoàng Ngọc Thạch đại diện pháp luật. 

Hai công ty trên đã liên kết với nhiều hộ kinh doanh cá thể, đại lý tuyển dụng, đào tạo cho khách mua hàng, bán các sản phẩm chủ yếu do công ty Công ty TNHH XNK Quốc tế Đại Hưng (gọi tắt Công ty Quốc tế Đại Hưng), phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh, do bà Phạm Thị Viên là người đại diện pháp luật, sản xuất. 

Cụ thể, các hộ kinh doanh, đại lý, đăng thông tin có nhu cầu tuyển dụng nhân viên vào làm việc với các vị trí như: Nhân viên bán hàng, thu ngân, kế toán... thông qua một số trang web: https://www.chotot.com, https://muaban.net, https://vieclam24h.vn, https://vieclamnhanh.vn; https://vieclamtot.com... Nhưng thực tế, khi có người xin việc vào làm thì họ không được ký hợp đồng lao động, không được phân bổ làm đúng các vị trí công việc như đăng tuyển, mà phía tuyển dụng yêu cầu họ mua các sản phẩm của Công ty Quốc tế Đại Hưng. 

Tiếp sau đó, công việc của họ là tiếp tục đăng tin tuyển dụng giống như cách người trước thực hiện, mục đích để dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia để mua hàng hóa, họ sẽ được hưởng tiền thưởng và hoa hồng bán hàng. 

Cách thức hoạt động của các tổ chức, cá nhân này như sau: Người tham gia được yêu cầu mua hàng hóa, tương đương 1 mã hàng (ID) trị giá 12.750.000 đồng (đã giảm 15%). Tuy nhiên, khách hàng không được nhận hóa đơn bán hàng, mà chỉ nhận được phiếu xuất kho, và ký vào đơn gửi hàng hóa được soạn sẵn. Sau khi mua đơn hàng đầu tiên, họ đã trở thành chuyên viên kinh doanh (đại lý cấp 1). 

Khi trở thành đại lý cấp 1, họ giới thiệu được 1 khách hàng cấp dưới (1 mã ID) sẽ được chi trả 600.000 đồng tiền hoa hồng giới thiệu trực tiếp. Tiền hoa hồng này được chi trả 1 lần cho việc giới thiệu một người, bất kể người tuyến dưới mua bao nhiêu đơn hàng. 

Để trở thành quản lý cấp 1, họ phải tiếp tục “kéo” người tham gia vào 2 nhánh duới, mỗi nhánh có đủ 10 ID, khi đó họ sẽ được hưởng thêm 5 triệu đồng. Tương tự, khi 2 nhánh dưới mỗi nhánh có đủ 30 ID thì họ trở thành quản lý 2 và được hưởng 6 triệu đồng; khi 2 nhánh dưới mỗi nhánh có đủ 60 ID, trở thành quản lý 3 và được hưởng 15 triệu đồng cùng với 9 triệu đồng tiền cân cặp. 

Trở thành Phó phòng kinh doanh, khi 2 nhánh dưới mỗi nhánh có đủ 90 ID, được hưởng 50 triệu đồng và 12 triệu đồng tiền cân cặp... Ngoài các khoản thưởng, hoa hồng cho đại lý, người tham gia, các đơn vị trên còn có các chính sách thưởng lãnh đạo theo cơ cấu doanh số, thưởng %.

Sở Công thương nhận định, các công ty, hộ kinh doanh, đại lý nêu trên có dấu hiệu hoạt động theo mô hình lấy tiền của chính người tham gia để trả cho chính người đó. Cụ thể hoạt động với cơ chế như sau: Nếu không tìm được người làm tuyến dưới mà muốn cân đều nhánh và lên bậc quản lý để được hưởng hoa hồng và tiền thưởng, người tham gia phải bỏ tiền ra mua nhiều mã hàng (ID) với chính tên mình làm tuyến duới. Như vậy, tiền thưởng và hoa hồng trong trường hợp này là tiền của chính người tham gia. 

Ngoài ra, các đơn vị trên còn có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Kết quả xác minh ban đầu, có 5 đơn vị là công ty, hộ kinh doanh ở quận 12 và quận Tân Bình tham gia vào hoạt động này.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), thời gian gần đây hoạt động kinh doanh đa cấp không phép và một số hình thức kinh doanh đa cấp bất chính có xu hướng phát triển nhanh chóng và thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là các đối tượng sinh viên. 

Nhằm giúp sinh viên hiểu đúng đắn về hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt là nhận diện bán hàng đa cấp bất chính, đầu tháng 11/2020, Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tuyên truyền nội dung này đến sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ. Dự kiến, sẽ tiếp tục tổ chức đến các trường đại học ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tháng 11 này.

T. Hà
.
.
.