Tận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi thuế quan, phòng tránh rủi ro
- Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được ưu đãi những gì?
- Không thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19
Mặc dù Việt Nam đã sớm chuyển giai đoạn phục hồi kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới” nhưng đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Châu Việt Bắc – Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) dẫn chứng một thống kê tin cậy cho biết trong quý I/2020, cả nước có khoảng 35.000 DN đã rút khỏi thị trường.
Một báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu dịch bệnh kéo dài và có kiểm soát, 50% không trụ quá 6 tháng. Mặc dù hiện tại dịch bệnh đã được kiểm soát tốt so với các quốc gia khác, nhưng trên thực tế DN khó có thể phục hồi ngay lập tức từ nay đến hết quý III/2020.
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. |
Theo VIAC, trong quý I và quý II/2020, số vụ tranh chấp tại VIAC giảm so với cùng kỳ, nhưng phần lớn số vụ có nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là do tác động của dịch COVID-19, dẫn đến một số hợp đồng không được thực hiện giữa hai bên.
“Để phục hồi nhanh, DN phải có chiến lược rõ ràng, giải quyết triệt để những hạn chế còn tồn đọng sau dịch không những vấn đề về kinh tế, thương mại mà còn những rủi ro về pháp lý, tranh chấp phát sinh giữa DN và đối tác”, ông Bắc nói.
Đề cập đến những khó khăn của DN thời kỳ hậu COVID-19, đại diện một DN may mặc tại TP Hồ Chí Minh than vãn, công ty ông bị thiệt hại hàng triệu USD do đối tác bên Mỹ không nhận hàng đã đặt theo đơn hàng thỏa thuận. Họ đặt cọc trước 30%, công ty sản xuất hàng hoàn tất nhưng cuối cùng đối tác không chịu nhận hàng, bỏ cọc với lý do họ đưa ra do dịch COVID-19 gây khó khăn. Trong khi đó, bao nhiêu chi phí đổ vào đơn hàng, đối tác đã vi phạm hợp đồng nhưng DN không biết phải xử lý sao.
Ông Bùi Hữu Thêm - Phó Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho hay, ngành gỗ bị ảnh hưởng rất lớn bởi COVID-19. Khi dịch bùng nổ, rất nhiều DN bị thiệt hại nặng nề vì khách hàng Mỹ và châu Âu đơn phương không nhận hàng, trong khi đó DN đã sản xuất hàng xong, chuẩn bị xuất theo thỏa thuận của hai bên.
Với những thiệt hại như vậy, ông Thêm cũng băn khoăn vì liệu các DN Việt Nam có khiếu nại khách hàng để yêu cầu họ bồi thường một phần thiệt hại không? Hoặc trong trường hợp dịch bệnh như vậy, theo thông lệ quốc tế từ trước tới nay có quy định nào để người đặt hàng có trách nhiệm hoặc hỗ trợ gì cho người sản xuất hay không?
Luật sư Lương Văn Lý, cố vấn cao cấp Global Lawyers, Trọng tài viên của VIAC cho rằng, sau dịch COVID-19, số vụ tranh chấp giữa các DN tăng rất nhiều so với trước đó, phần lớn tranh chấp xoay quanh hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ.
Đặc biệt, nhiều trường hợp DN Việt Nam không xuất khẩu được hàng hóa theo cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, hay bên mua hàng ở nước ngoài không có điều kiện chi trả đúng hợp đồng dẫn đến tranh chấp...
Vì vậy, DN cần lưu ý, ngoài nghĩa vụ của bên bán, bên mua phải được ghi rõ chi tiết, cụ thể trong hợp đồng, thì DN cũng đừng quên điều khoản bất khả kháng. Bất kỳ hợp đồng nào cũng đều bắt buộc phải có điều khoản “bất khả kháng” và trong điều khoản này phải ghi rõ các chi tiết để tránh xảy ra tranh chấp. “Sau dịch COVID-19, tôi phát hiện trong nhiều hợp đồng, tại điều khoản “bất khả kháng” không có yếu tố “dịch bệnh”. Điều này sẽ bất lợi nếu xảy ra tranh chấp”, Luật sư Lý cho biết.
Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cũng cho rằng, sau COVID-19 rất nhiều DN vẫn còn đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, có những cơ hội đến từ những khó khăn đó. Điển hình như cách đây 2 tháng, DN Việt Nam “sốt” với những đơn hàng khẩu trang. Hiện nay, nắng nóng thì “sốt” với những đơn hàng găng tay y tế... Vì vậy, với bối cảnh như hiện nay, DN cần vận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hiện Việt Nam đã ký kết 13 FTA với 58 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó 12 FTA đã có hiệu lực và EVFTA được Quốc hội thông qua ngày 8/6 vừa qua, 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, với tổng số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, với các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA), đây là các FTA có mức cam kết rất cao, gần 100% các dòng thuế sẽ được các bên cam kết xóa bỏ, tạo hành lang thuận lợi cho hàng hóa lưu thông tự do giữa các đối tác tham gia Hiệp định, độ mở của nền kinh tế rất cao.
“Để vận dụng tốt nhất các lợi thế mà FTA đem lại, DN cần đẩy mạnh thu thập thông tin, nghiên cứu, cập nhật thường xuyên các yêu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, DN cần nghiên cứu để hiểu biết đầy đủ và sâu sắc về các cam kết của FTA, nhằm tận dụng hiệu quả nhất các ưu đãi thuế quan, phòng tránh rủi ro”, bà Cao Thị phi Vân khuyến nghị.