Tận dụng cơ hội vàng để thu hút vốn đầu tư FDI

Thứ Bảy, 05/09/2020, 07:37
Chia sẻ tại Tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tại Hà Nội ngày 4/9, nhiều chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để thu hút, cạnh tranh vốn đầu tư nước ngoài với các nước khác trong khu vực.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. 

Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặc biệt là CPTPP và EVFTA đi vào thực thi, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, trong thời gian qua dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh tới dòng vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số dự án đăng ký mới tăng 6,6%; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Con số về XNK của Việt Nam chỉ giảm 5-6%, điều đó chứng tỏ doanh nghiệp (DN) FDI bị tác động nhưng rất ít. Các nhà đầu tư rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính sách nhất quán, minh bạch là yếu tố thu hút FDI.

Đặc biệt, kể từ khi Chính phủ thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút FDI, cơ quan này đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, các dự án đúng với mục tiêu của chúng ta đặt ra.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, việc cơ cấu lại chuỗi giá trị toàn cầu là có, nhưng nói về sự nổi trội Việt Nam thì chúng ta chỉ hơn các nước ở việc tham gia nhiều FTA với các thị trường lớn, chủ yếu trên thế giới. Tuy nhiên, các Hiệp định Thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA được thực thi là “điểm cộng” để Việt Nam càng hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Toàn Phó Chủ tịch Hiệp hội đầu tư nước ngoài cho rằng, với Việt Nam, nguồn nhân lực của chúng ta đang yếu về trình độ, tính kỷ luật, tuy nhiên họ làm việc linh hoạt, sáng tạo. “Vừa rồi, Samsung đánh giá sau khi đào tạo bài bản 3 tháng, công nhân Việt Nam đã có trình độ tay nghề tương đương ở Hàn Quốc. Bằng chứng mới nhất là hiện đã có 2 kỹ sư làm việc trong bộ phận nghiên cứu, chế tạo camera của tập đoàn này tại Việt Nam”, ông Toàn nói.

Để tận dụng được được dòng vốn đầu tư dịch chuyển này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ mang lại cơ hội cho DN trong nước. Do vậy, DN cần phải tận dụng cơ hội từ hội nhập, tăng cường sự liên kết.

Về nâng cấp DN Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn loay hoay trong việc nâng cấp như thế nào và tham gia vào chuỗi ra sao. Ở góc độ quản lý nhà nước, Cục Đầu tư nước ngoài rất mong muốn DN tham gia vào chuỗi, DN Việt Nam tham gia được thì sẽ lớn dần lên.

Để thu hút được dòng vốn đầu tư chất lượng cao, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, chi phí không chính thức chính là rào cản, là “nút thắt” cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng.

Ngoài ra, ông Cung cho rằng, Việt Nam nên có chế độ và chính sách đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau, chúng ta gọi đó là “chính sách may đo”. Đó là cuộc chơi cùng thắng cho cả hai và chúng ta phải hành động, phát hiện và xử lý đúng vấn đề cho nhà đầu tư.

Chính sách nhất quán, minh bạch là yếu tố thu hút FDI.
Lưu Hiệp
.
.
.