Để hạt gạo Việt hội nhập sâu rộng:

TPP nhìn từ “cánh đồng lớn” (Kỳ 3)

Thứ Năm, 24/12/2015, 08:37
TS. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, hạt gạo nói riêng, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói chung sẽ bị áp lực rất lớn trong tiến trình hậu WTO, TPP và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Nếu không có giải pháp ngay từ bây giờ thì rất khó tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách để phát triển bền vững trong tương lai.

Trong các thành viên tham gia TPP, trừ Nhật Bản không cam kết, Mexico và Chile sẽ xóa thuế theo lộ trình 8-10 năm; 8 quốc gia còn lại đều sẽ xóa thuế ngay cho gạo Việt Nam sau khi TPP có hiệu lực. 

Thực tế từ câu chuyện xây dựng thương hiệu (TH) quốc gia cho gạo Việt, có nhiều chuyện đáng suy ngẫm. Nếu không tập trung thực hiện một cách quyết liệt, hạt gạo Việt sẽ dễ dàng để vuột mất cơ hội tưởng chừng trong tầm tay.

Do phương thức mạnh ai nấy làm nên người nông dân luôn đối mặt với tình trạng được mùa mất giá. 

GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong thời giao thương quốc tế, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu (XK) những cây trồng nhiệt đới độc đáo mà phương Tây không sản xuất, trong số này có gạo hữu cơ, gạo đặc sản, gạo trắng cấp thấp... 

Những sản phẩm nông nghiệp (NN) này sẽ xâm nhập thị trường các nước thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), TPP, Khối Cộng đồng Âu châu (EU)... mà ít hoặc không có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, muốn XK thắng lợi, nông dân Việt Nam phải sản xuất sao cho đạt 4 yêu cầu sau đây: Chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn chất lượng an toàn quốc tế, giá thành cạnh tranh với đối thủ của ta, khối lượng lớn và giao hàng đúng lúc theo hợp đồng. 

“Đây là thách thức rất lớn đối với nông dân ta vì phần lớn bà con còn làm ăn cá thể theo kinh nghiệm lão nông tri điền, sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu, không phù hợp trong thời hội nhập toàn cầu. Thời buổi này, nếu làm ăn riêng lẻ và nếu chỉ bán sản phẩm nguyên liệu thô thì phải chịu thua thiệt” – GS. TS Võ Tòng Xuân băn khoăn.

Ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp cho biết, cộng đồng DN đều nhận thức được rằng sau khi TPP có hiệu lực, hàng nông sản của các thành viên, nhất là hàng của Mỹ sẽ xâm nhập vào nước ta một cách ồ ạt. Mà nếu như tình trạng hiện nay người tiêu dùng Việt Nam thích mua hàng ngoại vì ngon và ATVSTP hơn thì nông sản, trong đó có gạo của nông dân sẽ khó bán nếu không chứng minh được chất lượng an toàn.

Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, để tận dụng được các cơ hội do TPP mang lại, không còn cách nào khác là phải xây dựng TH cho gạo Việt Nam và phải bắt đầu từ gốc, đó là chọn giống phù hợp.

Lấy kinh nghiệm tuyển chọn của Thái Lan, GS. TS Võ Tòng Xuân cho rằng Nhà nước cần tổ chức bình tuyển các giống lúa ở từng vùng canh tác, chọn ra loại tốt nhất để sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận cung cấp cho nông dân. Khi đã chọn được giống, DN phải ký hợp đồng với HTX, cung cấp giống cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GAP (an toàn, chất lượng và truy nguyên được nguồn gốc). Mỗi cánh đồng vài trăm hécta chỉ làm một giống. DN phải cử kỹ sư theo suốt quá trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm đầu vào cho đến đầu ra là gạo đóng gói XK đồng nhất về chủng loại và chất lượng, không có gạo khác lẫn vào. 

“Có được sản phẩm chất lượng, DN yên tâm đăng ký nhãn hiệu, quảng bá, tiếp thị ra nước ngoài. Với quy trình này, DN nào làm ăn gian dối sẽ tự bị đào thải”, GS. TS Võ Tòng Xuân nói.

Tại Hội nghị triển khai Đề án phát triển TH gạo Việt, được tổ chức hồi cuối tháng 10 vừa qua tại Kiên Giang, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nói chúng ta không thể chấp nhận tình trạng DN nước ngoài mang bao bì, nhãn mác của họ vào mua gạo Việt Nam để XK. “Việc xây dựng TH gạo quốc gia có thành công hay không chính là từ các DN. Bởi lẽ, DN muốn có gạo chất lượng để XK thì phải xây dựng được vùng lúa nguyên liệu” - ông Nam nhấn mạnh.

Thực tế việc xây dựng vùng lúa nguyên liệu trong đó có mô hình cánh đồng lớn theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện còn nhiều việc phải bàn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết mỗi hécta lúa trong mô hình cánh đồng lớn có năng suất cao hơn 15-20% so với diện tích ngoài mô hình này và nông dân thu lời thêm từ 2,2 – 7 triệu đồng; cạnh đó còn giúp tạo ra các vùng lúa đặc thù phục vụ XK gạo cao cấp. Thế nhưng, đến nay tổng diện tích mô hình này của cả nước mới chỉ trên 550.000ha, trong đó ĐBSCL trên 450.000ha. Nhiều địa phương không quan tâm thực hiện việc liên kết, xây dựng cánh đồng lớn.

TS. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết một trong các hạn chế trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL thời gian qua là các thành phần trong chuỗi giá trị lúa gạo (gồm nông dân, thương lái, hàng xáo, nhà máy xay chà đánh bóng và các DN XK gạo) chưa liên kết hỗ trợ lẫn nhau một cách có hiệu quả và cùng có lợi. DN XK gạo chưa “mặn” trong xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu nhằm nâng cao chất lượng của gạo XK, dẫn đến nghịch lý là nông dân trồng giống lúa chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của thị trường gạo cấp cao nhưng chất lượng gạo XK lại thấp do DN thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhìn từ góc độ của DN, ông Trần Tấn Đức, Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp, DN có liên kết vùng nguyên liệu năm 2015 khoảng 4.000ha, lại kể rằng hiện hầu hết nông dân vẫn sản xuất theo thói quen là canh tác giống lúa ít bị sâu rầy, chi phí đầu vào thấp nhưng thu được năng suất cao. Đáp ứng yêu cầu này thực ra chỉ có lúa IR 50404, chất lượng thấp. Do vậy, khi được sự khuyến cáo sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ XK thì bà con nông dân ngại làm theo. Chính thực tế này đã đi lệch với định hướng của Nhà nước – sản xuất theo định hướng thị trường. Nông dân không trồng theo định hướng của thị trường, DN gặp khó và nông dân cũng gặp khó…

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trước đây, nông dân sản xuất lúa cao sản như IR 50404 đã giải quyết đến 50% nhu cầu XK sang thị trường cần gạo phẩm cấp thấp (Trung Quốc, một số nước châu Phi) nhưng hiện đã khác nên cần sắp xếp lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ cho những thị trường cao cấp. Muốn làm được điều đó, khâu quan trọng đầu tiên là nông dân phải sử dụng giống lúa thuần chủng (giống xác nhận) chứ không để tiếp tục xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm.
Thái Bình
.
.
.