Sẽ loại bỏ những dự án phải trồng rừng thay thế quá lớn
Nhiều chủ dự án “quên” trồng rừng thay thế
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến ngày 30-9, cả nước đã trồng rừng thay thế được 15.959 ha, đạt 23,6% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng thay thế các dự án thủy điện là 5.709 ha, đạt 51,1% kế hoạch; diện tích phải trồng rừng thay thế đối với các dự án khác là 2.380 ha, đạt 13,7% kế hoạch... Tổng số tiền các chủ dự án nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là hơn 262 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được hơn 68 tỷ đồng.
Trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ môi trường. |
Trong quá trình triển khai, một số địa phương tích cực triển khai trồng rừng thay thế đối với dự án thủy điện đạt kết quả cao, trong đó có Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An. Đối với các dự án chuyển sang mục đích sử dụng khác đã có 20/48 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế với diện tích 2.380 ha, đạt 18% kế hoạch, còn lại 28 địa phương chưa trồng…
Theo Bộ NN&PTNT, nguyên nhân của tình trạng trồng rừng thay thế đạt thấp là do công tác chỉ đạo ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, nhất là ở các công trình công cộng, nhiều địa phương chưa chủ động bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện. Nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án trồng rừng thay thế cũng như thực hiện nộp tiền.
Một thực tế cũng được lãnh đạo nhiều địa phương đề cập tới là có những dự án đã tiến hành chuyển mục đích sử dụng rừng đã lâu (từ năm 2006, 2007), đã hoàn thành dự án đầu tư và chuyển giao cho đơn vị khác tiếp quản, thậm chí nhiều ban quản lý dự án đã giải thể, nhưng nhiều chủ đầu tư không bố trí được kinh phí để trồng rừng thay thế do trước đây không xây dựng dự toán cho dự án đầu tư.
Không trồng rừng thay thế, bị rút giấy phép
Nhận định về thực tế này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải khẳng định, trồng rừng thay thế là một trong những giải pháp quan trọng trong chủ trương bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, phải đảm bảo mục tiêu, kế hoạch mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Trước khi có Nghị định 23/2006/NĐ-CP, Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý chưa quan tâm nhiều tới vấn đề này. Nhiều dự án vẫn triển khai thực hiện mà không có phương án trồng rừng thay thế. Vì vậy, “từ nay trở đi, các dự án mới khi phê duyệt đầu tư, báo cáo khả thi thì phải có phương án trồng rừng thay thế và bố trí quỹ đất cụ thể… Phải coi đây là một nội dung quyết định tính khả thi của dự án. Nếu diện tích trồng bù quá lớn hoặc không có quỹ đất thì coi như dự án này không hiệu quả về kinh tế-xã hội, không khả thi và phải xem xét loại bỏ ngay”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các dự án thủy điện đã vận hành phải nghiêm chỉnh triển khai và đảm bảo yêu cầu về diện tích trồng rừng thay thế theo đúng lộ trình và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới theo chương trình giám sát dự kiến. Đối với các dự án mới hoặc sắp đưa vào cũng sẽ được rà soát, có lộ trình phương án cụ thể.
"Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT theo dõi việc thực hiện trồng rừng thay thế. Chủ đầu tư nào không thực hiện thì xem xét rút giấy phép hoạt động điện lực... Các địa phương rà soát lại các dự án trước đây không có phương án trồng bù rừng, làm việc với chủ đầu tư để có lộ trình nộp tiền cho quỹ phát triển rừng, lấy từ chi phí sản xuất", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.