Phân bón nhãn hiệu Mỹ sang chiết tại... Đồng Nai

Thứ Bảy, 09/05/2015, 10:52
Kết quả kiểm tra bước đầu, đoàn liên ngành xác định Công ty Thuận Phong đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 40 ngàn chai phân bón các loại, tương đương với 23 ngàn lít bằng thủ đoạn nhập nguyên liệu từ nước ngoài về đóng chai, dán nhãn giả xuất xứ để đưa ra thị trường.

Ngày 7 và 8/5, đoàn liên ngành của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cùng các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai đã tiến hành việc mở niêm phong và lấy mẫu để kiểm nghiệm tại kho sản xuất phân bón của Công ty CP SXTM và DV Thuận Phong (Công ty Thuận Phong), ở phường Long Bình, TP Biên Hòa. Căn cứ trên kết quả kiểm nghiệm sẽ điều tra, làm rõ hành vi sang chiết, đóng chai có dấu hiệu làm giả lượng phân bón rất lớn của DN này.

Qua kiểm kê bước đầu, lực lượng kiểm tra đã phát hiện trong kho hàng của Công ty Thuận Phong có hơn 3.200 chai phân bón với trọng lượng trên 4 tấn được dán nhãn sản xuất tại Mỹ, 148kg nhãn mác chưa dán lên sản phẩm có ghi nơi sản xuất hàng hóa từ Mỹ, hơn 95kg nhãn phụ các loại và 1.500 tem niêm phong nhãn hiệu Huma Gro.

Trong quá trình mở niêm phong tại hiện trường, đại diện Công ty Thuận Phong đã thừa nhận thời điểm đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra kho hàng này vào ngày 24/4, DN đang tiến hành sang chiết phân bón. Tuy nhiên, đến nay DN chưa xuất trình được giấy tờ hợp lệ.

Trước đó, để bắt quả tang việc sang chiết phân bón trái phép của DN này, một tổ cơ động liên ngành của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Nai đã phải mất nhiều ngày trinh sát, mật phục. Thời điểm đoàn công tác liên ngành ập vào kiểm tra kho phân bón của Công ty Thuận Phong, DN này đang thực hiện sang chiết lượng lớn phân bón dạng nước mang nhãn hiệu Vitol sản xuất tại Mỹ. 

Kết quả kiểm tra bước đầu, đoàn liên ngành cũng đã xác định DN này đã sản xuất, bán ra thị trường khoảng 40 ngàn chai phân bón các loại, tương đương với 23 ngàn lít bằng thủ đoạn nhập nguyên liệu từ nước ngoài về đóng chai, dán nhãn giả xuất xứ để đưa ra thị trường. 

Từ căn cứ này, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương liên quan tiến hành kiểm tra đối với một loạt sản phẩm gồm vitol, breakout, jackpot, zap, pro – max, proud, boron trên nhãn ghi xuất xứ từ Mỹ do Công ty Thuận Phong sản xuất. 

Ngoài số phân bón dạng nước trên, lực lượng kiểm tra cũng đã đặt nghi vấn về chất lượng của lượng lớn phân bón thể rắn thành phẩm trong kho của Công ty Thuận Phong. Hiện kho chứa phân bón dạng rắn này cũng đã được niêm phong, lấy mẫu giám định để có căn cứ xử lý. 

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các địa phương áp dụng ngay các biện pháp để kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các sản phẩm khác của Công ty Thuận Phong trên thị trường.

Đức Sơn
.
.
.