Nỗ lực giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về chi phí logistics

Chủ Nhật, 07/03/2021, 11:26
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, chi phí logistics tăng cao do thiếu hụt container khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đang phối hợp với các ngành chức năng, hiệp hội doanh nghiệp (DN) triển khai nhằm tháo gỡ nút thắt này. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải, đơn vị chủ quản đã phối hợp với Bộ Công Thương có nhiều buổi làm việc với các hãng tàu, hiệp hội chủ hàng, các DN dịch vụ logistics để tìm hiểu và đưa ra giải pháp. 

Trước mắt, phí logistics đã không còn tình trạng tăng phi mã. Hiện Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì thành lập một đoàn kiểm tra, trong đó có thành phần đại diện của Bộ Công Thương để tiếp tục đi làm việc với các hãng tàu, một mặt để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị định146/2016/NĐ-CP về quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển. 

Từ đó, tìm ra những giải pháp gia tăng lượng container rỗng đưa về Việt Nam cũng như hợp lý hóa những khoản thu mà hiện nay các DN xuất nhập khẩu đang phản ánh là tăng cao quá mức hợp lý. 

“Hy vọng đoàn kiểm tra sẽ có thể làm việc ngay trong tháng 3 này. Những khó khăn này là vấn đề mang tính chất thời điểm và gắn với yếu tố dịch bệnh nhưng cũng làm cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN có suy nghĩ về vấn đề định hướng dài hạn. Đơn cử như việc sản xuất container. Bởi, trước đây ta chưa có DN sản xuất container quy mô lớn thì qua khó khăn này bắt đầu có những DN Việt Nam quan tâm đến sản xuất cũng như xuất khẩu container. Chúng ta không thể làm được trong ngày một ngày hai, nhưng hy vọng có thể trong một, hai năm tới, đây sẽ là một hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hải cho hay.

Sản xuất, xuất khẩu container là một trong những hướng đi mới cho DN Việt.

Việc phí container tăng cao, thiếu hụt container xảy ra khá đột ngột, gây khó khăn cho các DN xuất nhập khẩu. Qua đó cũng thấy rằng, việc chuẩn bị những kịch bản ứng phó với các yếu tố rủi ro tiềm ẩn sẽ là một bài học rất lớn cho các DN nói chung và các DN xuất nhập khẩu nói riêng. 

Việc đa dạng hóa thị trường trong khâu logistics là một giải pháp DN có thể tính đến. Như trong vận chuyển đi châu Âu, ngoài phương thức về đường biển thì chúng ta đã có phương thức vận chuyển bằng đường sắt thông qua tuyến liên vận đi qua Trung Quốc, Kazacstan, Belarus, Nga và qua châu Âu. 

Đây là một kênh mà các DN chưa được biết đến nhiều và có thể chưa khai thác. Dịp này là một cơ hội để các DN đã tìm hiểu và khai thác tận dụng tốt hơn các phương thức này, vừa đa dạng hóa phương thức vận chuyển, vừa  góp phần giảm bớt yếu tố phụ thuộc cũng như tác động của trường hợp tăng giá cước tàu biển như vừa qua.

Theo ông Hải, tình trạng tăng giá cước tàu biển cũng như thiếu container chủ yếu gắn với việc năng lực xử lý hàng hóa ở các cảng của châu Âu và Bắc Mỹ bị sụt giảm do yếu tố dịch bệnh COVID-19. Như vậy, nếu như dịch bệnh được kiểm soát tốt, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ thì hy vọng tình trạng này có thể thuyên giảm. 

Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tăng cường quản lý nhà nước về chấp hành pháp luật liên quan đến cước tàu biển cũng như yêu cầu công khai, minh bạch các chi phí này để tránh tình trạng lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của các DN vận tải lớn, thông qua đó, liên kết nâng giá, chèn ép các DN xuất nhập khẩu. Đó là những yếu tố cần phải lưu tâm để giúp các DN xuất nhập khẩu có thể hạn chế tối đa tác động của tình trạng chung trong biến động của kinh tế thế giới.

Trân Trân
.
.
.