Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã 'chen chân' được vào thị trường Mỹ

Thứ Ba, 10/03/2015, 09:45
Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội cho biết: Để chuẩn bị cho sự kiện TPP, tháng 11/2014, một đoàn DN của Việt Nam đã có cơ hội sang Mỹ để tìm kiếm cơ hội đầu tư và Luật Di trú của nước này. Chuyến đi đã giúp các DN chứng kiến những điển hình thành công của người Việt trên đất Mỹ.

Trước nhiều khả năng về Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết trong năm 2015, chiều 9/3, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phối hợp với Sterling Harwood và Jay Peak tổ chức buổi trao đổi thông tin về “Cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Mỹ trước thềm TPP”.

Xác định doanh nghiệp trẻ là đội ngũ tiên phong và là hạt nhân trong hội nhập quốc tế, nhiều kinh nghiệm của các DN Việt đã chen chân được vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, xây dựng đã được chia sẻ.

Ông Trần Anh Vương – Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội cho biết: Để chuẩn bị cho sự kiện TPP, tháng 11/2014, một đoàn DN của Việt Nam đã có cơ hội sang Mỹ để tìm kiếm cơ hội đầu tư và Luật Di trú của nước này. Chuyến đi đã giúp các DN chứng kiến những điển hình thành công của người Việt trên đất Mỹ.

Theo ông Đặng Đức Dũng  - Chuyên gia tư vấn đầu tư, Nguyên Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội: “Công nghệ thông tin (CNTT) là thế mạnh hàng đầu của Việt Nam”.

Sau những cải cách trong giáo dục, chúng ta đã đào tạo được 1 lực lượng kỹ thuật viên khá tốt. Nhờ một số đầu tàu mà ta đã bắt đầu đặt chân đến sillicon valley – cái nôi công nghệ của thế giới, đã có những văn phòng CNTT hàng trăm người. Phần lớn các dự án công  nghệ mới, những mô hình mới nhất về CNTT đều nằm ở nước Mỹ, nên họ phải làm rất nhiều sản phẩm phân cấp dưới đó. DN Việt Nam đã len lỏi, giành được những hợp đồng từ những nhà thầu Ấn Độ.

Ban đầu làm cho các công ty nhỏ, công ty bậc trung, và nay làm cho cả những công ty lớn như Microsoft hay IBM. Hợp tác viễn thông rất tốt giữa Việt Nam và Mỹ tạo cơ hội để DN hợp tác lĩnh vực này với một thị trường rất mạnh. Rất nhiều dự án đã dùng kỹ thuật viên ở Việt Nam và người Việt ở California. Rất nhiều sản phẩm của IOS hay Android là của người Việt.

Bên cạnh CNTT và viễn thông, xây dựng cũng là lĩnh vực DN Việt có thể tạo thế mạnh. Điển hình là một công ty làm về vật liệu xây dựng ở Thạch Thất (Hà Nội) đã mua lại dây chuyền của Ý để sản xuất đá thạch anh. Ban đầu, DN này đã thiết lập nhà kho đầu tiên ở Dallas với số hàng hoá trị giá khoảng 5 – 10 triệu USD và bắt đầu phân phối cho các nhà thầu xây dựng.

Sau 4 năm, họ đã vượt qua được các nhà thương mại trung gian, thiết lập được hệ thống phân phối ở Chicago, Atlanta và có khả năng lan ra khắp miền Tây nước Mỹ, cạnh tranh được với sản phẩm của cường quốc công nghệ là Israel và đánh đổ được sản phẩm của Trung Quốc.

Một thế mạnh khác là gia công cơ khí. Một văn phòng thiết kế ở Kansas đã di chuyển sang Việt Nam và tìm kiếm đối tác là DN cơ khí của Việt Nam. Họ đưa ra đầu bài về mẫu mã sản phẩm, chất lượng và giá đích để đặt hàng. Sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều quy định ngặt nghèo về an toàn, chất lượng, giá phải rất cạnh tranh, nhưng lượng sản phẩm đặt hàng năm là rất lớn, 400.000 – 500.000 sản phẩm/năm. Một DN ở Bắc Ninh đã tận dụng được cơ hội đáp ứng được điều kiện.

Hiện nay, vào siêu thị ở Mỹ sẽ thấy rất nhiều sản phẩm cơ khí có xuất xứ từ Việt Nam. Thông qua văn hoá ẩm thực cũng sẽ là một thế mạnh khi đã có những nhà hàng Việt hay tiệm bánh mì Việt được đặt ở một trong những sân bay lớn nhất thế giới là sân bay Dallas…

“TPP sẽ cho chúng ta những cơ hội rất rành mạch để gia nhập thị trường Mỹ, nhưng phải đặc biệt quan tâm đến những quy định của luật pháp Mỹ. Sẽ rất khó để vào được thị trường này, nhưng đã vào được rồi thì việc cạnh tranh sẽ rất bình đẳng” – ông Đặng Đức Dũng nhấn mạnh. 

TPP là một sự kiện đang được rất nhiều người chờ đón, bởi nó không phải là một hiệp định thương mại thông thường mà bao trùm các lĩnh vực, là cơ hội để tăng cường liên kết giữa các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada với các nước chậm phát triển ở vành đai châu Á, Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Khu vực TPP là thị trường 40% GDP, 30% thương mại toàn cầu, gồm 800 triệu dân. TPP sẽ tạo ra những khuôn mẫu mới cho thương mại của thế kỷ 21, xử lý những vấn đề về chính sách và tạo ra lợi ích cực lớn trong việc mở rộng thị trường vì giảm thuế, rất nhiều dòng thuế về 0.

TPP cũng mở rộng sự lựa chọn của chúng ta trên thị trường vì không phải qua các nhà thương mại trung gian và bị ép giá như trước đây. Việc phân phối trực tiếp, nhận phản hồi trực tiếp của khách hàng và thuế giảm sẽ khiến lợi nhuận của DN đặc biệt tăng cao hơn trước. Đặc biệt, các nước TPP sẽ không phải cạnh tranh với một đối thủ cực kỳ khó chịu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý Trung Quốc rất giỏi trong việc “lách” các hiệp định thương mại như thế này, thông qua việc cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm. Do đó, các nước TPP phải hỗ trợ nhau để đầu vào sản phẩm không có Trung Quốc len vào.

Tham gia sân chơi TPP cũng tạo ra hi vọng qua đây DN Việt sẽ tiếp nhận được nhiều chuyển giao công nghệ, vốn đầu tư để nâng cao chất lượng hàng hoá, sản phẩm, từ đó thâm nhập vào các thị trường khác.

Dù vậy, những thách thức không nhỏ cũng đang được đặt ra về vấn đề sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, cải tổ DNNN, tạo điều kiện cho DN vừa và nhỏ phát triển. Trong bối cảnh đó, DN sẽ phải tự nâng cao năng lực pháp luật và tìm kiếm thông tin trong cuộc bơi ra biển lớn này.

V. Hân
.
.
.