Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn vẫn ngổn ngang trước ngày về đích

Thứ Ba, 24/01/2017, 08:13
“Thay vì kêu gào chúng tôi bao tiêu, chúng tôi ký hợp đồng, hãy chuẩn bị đủ hạ tầng cho chúng tôi nhập hàng. Đây là vấn đề nghiêm trọng phải xử lý ngay” – ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex lên tiếng cảnh báo về hạ tầng giao nhận “đáng báo động” của lọc dầu Nghi Sơn khi nhà máy này cận kề đích đến.


Chậm tiến độ, công nhân được trả thêm 50 USD/ngày để làm trong dịp Tết

Theo ông Đinh Văn Ngọc – Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hiện dự án đã thực hiện đến tháng thứ 42. “Theo hợp đồng EPC đã ký thì 40 tháng là hoàn thiện cơ khí (tức chạy thử thành công tất cả các phân xưởng phụ trợ, ngoại vi, các hạng mục bồn bẻ, jetty), tới nay đã chậm tiến độ 2 tháng. 

Các nhà thầu đang cố gắng quyết tâm đến tháng thứ 43, tức là 28-2 sẽ bàn giao hoàn thiện cơ khí và chuyển toàn bộ công trường cho chủ đầu tư. Khác với Dung Quất, dự án này, chủ đầu tư sẽ phải thực hiện toàn bộ công tác chạy thử và nghiệm thu nhà máy”. 

Cũng theo ông Ngọc, hiện toàn bộ công nhân trên công trường là 16.000 người, cộng với 2000 – 3000 lao động gián tiếp là 19.000 người, trong đó có 17.000 là người Việt Nam. 2.000 người nước ngoài, còn lại bao gồm các chuyên gia, đại diện của các vendor – các nhà sản xuất thiết bị. “Hợp đồng EPC trị giá 5,2 tỷ USD, mức phạt chậm hợp đồng rất lớn nên tổng thầu đang nỗ lực làm sớm ngày nào tốt ngày đó. 

Vừa rồi đã huy động thêm 3.000 người trên công trường, đều là thợ giỏi, kể cả thợ hàn từ Nhật sang để thúc đẩy tiến độ. Mỗi người được thưởng trực tiếp 50 USD/ngày để thi công cả trong dịp Tết, dự kiến sẽ có 3.000 người trên công trường” – ông Ngọc thông tin thêm.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Theo một văn bản của Ban dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, tổng thầu JGCS sẽ hỗ trợ thêm 80USD (1.800.000 đồng)/người/ngày đối với giám sát, an toàn và 50 USD/ngày (1.100.000 đồng)/người/ngày đối với công nhân, lái xe, bảo vệ. Theo ông Ngọc, với nỗ lực trên, dự kiến trong cuối tháng 2 nhà thầu sẽ bàn giao cơ khí dự án cho chủ đầu tư; nhập lô dầu thô đầu tiên vào tháng 4-2017, khoảng 300.000 tấn để đến giữa tháng 7 sẽ chạy thử nhà máy và cuối tháng 8 sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên. 

Dự kiến năm 2017 sẽ nhập khoảng 4,2 triệu tấn (tương đương 30 triệu thùng) cho công tác chạy thử. Toàn bộ dầu thô cung cấp cho nhà máy sẽ được nhập từ Kuwait. Sản phẩm của nhà máy gồm khí hoá lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay, lưu huỳnh, polypropylen, benzen, paraxylen, trừ Jet A1 phải đến tháng 5-2018 mới xuất bán thương mại do phải vượt qua một số kiểm định nghiêm ngặt. 

Khi vận hành, tổng số cán bộ công nhân viên của Nghi Sơn là 1.340 người, hiện đã tuyển được 97%, trong đó có 338 chuyên gia (170 chuyên gia Nhật Bản). Với mức độ hoành tráng của dự án, hiện trên công trường luôn có 800 người bảo vệ. Đến khi hoàn thiện, dự án tiêu tốn khoảng 190 triệu giờ công lao động, lớn hơn nhiều so với 60 triệu giờ công của Dung Quất, dù công suất chỉ lớn hơn 35%.

Hạ tầng giao nhận quá bất cập

Để thực hiện Nghi Sơn, Chính phủ đã cam kết nhiều ưu đãi, trong đó có việc ưu đãi thuế 10 năm và bao tiêu sản phẩm trong vòng 15 năm kể từ ngày vận hành thương mại hoặc tại thời điểm Công ty Lọc Hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) hoàn trả toàn bộ các khoản gốc và lãi của hợp đồng vay, tùy trường hợp nào đến trước. PVN sẽ thay mặt Chính phủ bao tiêu sản phẩm và thực hiện các hỗ trợ về thuế cho NSRP (Chính phủ sẽ bù lỗ nếu thuế nhập khẩu xuống dưới 7% đối với xăng dầu, dưới 5% với LPG và dưới 3% với sản phẩm hóa dầu).

Không còn nhiều thời gian trước khi Nghi Sơn cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên, lần đầu tiên nhà máy này có một hội nghị với các khách hàng tương lai là 27 đầu mối xăng dầu trên cả nước. Tại cuộc gặp này, ông Nguyễn Quang Kiên – Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, khách hàng tiềm năng lớn nhất của Nghi Sơn đã chỉ ra một nhược điểm chí mạng của dự án là hạ tầng giao nhận hoàn toàn không phù hợp với quy mô nhà máy. 

“Tôi đã nói nhiều lần và việc tham quan nhà máy càng khẳng định phát biểu của chúng tôi trước đây. Tôi không lo ngại lắm về thương mại, công thức giá... vì sớm muộn cũng phải thương thảo với nhau chi tiết, mà tôi tin là chúng ta sẽ đạt được tiếng nói chung; nhưng tôi hết sức lo ngại về hạ tầng giao nhận. Các anh đã quá tập trung vào xây dựng nhà máy hoành tráng mà không quan tâm đến đầu ra nên hạ tầng giao nhận hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu. 

Các anh có 3 cầu cảng, tối đa 3 vạn tấn, còn lại 3-5 nghìn và 10 nghìn tấn, xuất tất cả các sản phẩm LPG, hóa dầu... thì không tránh được cảnh chờ đợi. Chưa kể luồng chưa được công bố, các bãi, vũng neo đậu tàu, tàu kéo, tránh trú bão.... Giờ các anh bảo có bão thì chạy ra Hải Phòng để đợi thì chúng tôi đi chỗ khác mua, vì quá tốn kém. Tôi phải tính giá đưa tận về nơi tiêu thụ có cạnh tranh được với hàng nước ngoài không” – ông Kiên nêu quan điểm.

“Tôi nói đây là lần cuối cùng, nếu các anh quan tâm đến bán hàng cho Nghi Sơn, thì việc đầu tiên là khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống xuất bộ và xuất thủy và cung cấp thông tin cho chúng tôi sớm. Chúng tôi phải đảm bảo cân đối lớn, nên đến tháng 5 phải đàm phán hợp đồng cho 6 tháng cuối năm rồi, nếu các anh không nhanh thì không thể trách chúng tôi được” – ông Kiên cảnh báo. 

“Quả bóng không ở người mua, mà đang trong chân người bán. Đây là việc rất nghiêm trọng cần xử lý ngay. Các anh đừng gọi chúng tôi bao tiêu nữa, đừng kêu gào chúng tôi ký gì cả, cứ cho chúng tôi hệ thống hạ tầng đảm bảo, chúng tôi cam kết sẽ tiêu thụ tối đa”.

Vũ Hân
.
.
.