Ngành tài chính tiêu dùng "vượt bão", đón cơ hội từ đại dịch COVID-19

Thứ Ba, 26/01/2021, 11:21
Năm 2020, “cơn bão” mang tên COVID-19 đã càn quét qua nhiều quốc gia và tạo ra cuộc khủng hoảng kép nghiêm trọng với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Cùng chung số phần, lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng hứng chịu những tác động không nhỏ. Tuy nhiên, đứng trước tình hình khó khăn, đây cũng là cơ hội để ngành tài chính tiêu dùng tạo ra sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, công cuộc chuyển đổi số buộc phải tăng tốc nhằm đáp ứng tốt hơn trải nghiệm của khách hàng.

Ngành tài chính tiêu dùng chịu tác động lớn từ đại dịch

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, hàng ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản, kéo theo hàng triệu người người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sút.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2020 có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đồng thời, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong đó, 69,2% bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều này kéo theo việc ngành tài chính ngân hàng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó ngành tài chính tiêu dùng chịu tác động lớn bởi các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực này có đối tượng khách hàng đa phần là người có thu nhập trung bình, cũng là nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của nền kinh tế. Theo số liệu của FiinGroup (Tổ chức thu thập và phân tích số liệu), con số thiệt hại ở mảng tài chính tiêu dùng trên thế giới bởi dịch COVID-19 vô cùng lớn khi doanh thu ghi nhận giảm 25%, nợ xấu tăng 100% dẫn đến lợi nhuận giảm gần 200%.

Vượt bão, ngành tài chính tiêu dùng đón cơ hội

Tuy nhiên, ở mặt tích cực, có thể coi COVID-19 là cơ hội để thay đổi cục diện ngành Tài chính tiêu dùng khi nó tạo ra sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của hành vi thanh toán không tiền mặt như Thẻ tín dụng và tích hợp mô hình của các công ty tài chính với nền tảng trực tuyến.

Trong giai đoạn đại dịch bùng phát, đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng khi nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu qua kênh thương mại điện tử không ngừng gia tăng. FE CREDIT, một công ty tài chính tiêu dùng uy tín tại thị trường Việt Nam cho biết với hơn 2,3 triệu thẻ tín dụng đã được phát hành cho khách hàng đã bước đầu đã tạo dần thói quen sử dụng thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng thu nhập thấp vốn ưa chuộng thanh toán bằng tiền mặt. Tỷ lệ cho vay thông qua thẻ tín dụng trong cơ cấu danh mục cho vay của FE CREDIT thể hiện rõ xu hướng này khi chi tiêu qua thẻ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến.

Xu hướng chuyển đổi từ mô hình vay truyền thống sang hình thức vay trực tuyến ngày càng tăng cao nhờ các ưu điểm vượt trội so với mô hình cho vay truyền thống. FE CREDIT đã hoàn thiện xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP.

Bên cạnh các công ty đã có lịch sử hoạt động lâu đời trong nước, thị trường tài chính tiêu dùng cũng chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh kỳ vọng mang lại động lực tăng trưởng mới cho thị trường. Cụ thể, nhiều công ty tài chính nước ngoài như Lotte Finance, Shinhan Finance, Hyundai Card hay Ant Financial…tìm cách mua các lại công ty trong nước trong năm 2020 khiến cuộc đua thị phần ngày càng hấp dẫn.

Khi tính cạnh tranh ngày càng lớn, thị trường tài chính tiêu dùng kỳ vọng ngày càng phát triển hơn. Điều này đòi hỏi các công ty tài chính cần có sự thay đổi mang tính chất khác biệt và tiến bộ, chính là đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật và công nghệ số tiên tiến vào tất cả các khâu hoạt động. Ðồng thời, cần gắn liền môi trường số hóa với một hệ sinh thái nhiều tiện ích và tập trung vào trải nghiệm, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của khách hàng. Nếu không bắt kịp xu hướng, các tổ chức tài chính sẽ phải đối mặt với sự đào thải như một quy luật tất yếu của thị trường.

Theo FE CREDIT, ứng dụng công nghệ cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ tạo bước ngoặt mới cho diện mạo ngành tài chính Việt Nam. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nếu không nhanh chóng thay đổi tư duy sẽ sớm lùi lại phía sau và nhường sân chơi này cho các đối thủ khác.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, nếu như trước đây, khách hàng phải gọi điện đến công ty để được giải đáp thì nay FE CREDIT đã phát triển các ứng dụng để khách hàng theo dõi khoản vay, giúp khách hàng nhanh chóng tra cứu thông tin kịp thời mà không cần gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng, kịp thời giải đáp các thắc mắc và tăng trải nghiệm của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ. Công ty này cũng đặc biệt chú trọng đến các ứng dụng kỹ thuật số trên cả dịch vụ front-end và back-end. Những nỗ lực này đã được đưa ra nhằm tối ưu hóa chi phí và giảm các tương tác trực diện kể cả trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, FE CREDIT đã và đang tăng tốc triển khai các công nghệ tốt nhất như chữ ký điện tử và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc tư vấn khách hàng qua điện thoại. Việc áp dụng công nghệ nhận diện khách hàng (e-KYC) cũng đang được công ty điều chỉnh phù hợp với quy trình duyệt vay đồng thời áp dụng AI đàm thoại vào dịch vụ khách hàng. Tất cả những nỗ lực này nhằm tiếp cận khách hàng nhanh và hiệu quả hơn ở quy trình bán hàng, xử lý khoản vay và dịch vụ khách hàng.

Theo thống kê của FE CREDIT, từ những biến đổi linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, cùng với những nỗ lực ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp này đã đạt được những hiệu quả nhất định trong việc duy trì hoạt động kinh doanh của công ty trong bối cảnh đại dịch nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 12/2020, tổng dư nợ của FE CREDIT đạt 66.045 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2019, đồng thời hệ số an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,19% trong 2019 lên 19,14%. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2020 của FE CREDIT giảm đáng kể so với năm trước khi đạt 27,6%. Được biết, trong thời gian qua, công ty đã tối ưu hóa chi phí nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng hệ sinh thái tài chính thông qua kết hợp với các đối tác hàng đầu thế giới như UBBank, MyCash Fintech, EY, Vymo….

Như vậy có thể thấy rằng với sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen mua sắm của khách hàng, cũng như nắm bắt những xu hướng mới của ngành tài chính tiêu dùng dưới tác động của đại dịch COVID-19, các công ty tài chính cần xác định công nghệ chính là chìa khóa cho sự phát triển của doanh nghiệp.

PV
.
.
.