Ngân hàng nỗ lực “giải cứu” doanh nghiệp
Ngày 2-3-2020, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức cuộc họp với các TCTD về tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ thiệt hại do dịch COVID-19.
Giảm lãi suất vay, giãn nợ hỗ trợ doanh nghiệp
Cho đến thời điểm này, các TCTD cho biết đã hỗ trợ cho trên 44 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân khắc phục thiệt hại; gần 30 ngân hàng đã đồng hành cùng Napas triển khai các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và DN.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã biểu dương 20 NHTM đã tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ DN, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bao gồm: Agribank,Vietcombank, VietinBank, BIDV, Nam Á, ACB, Techcombank, OCB, MB, SCB, Bản Việt, Kiên Long, Sacombank, TPBank, VPBank,Eximbank, PVCombank,Coopbank, Shinhanbank, UOB; đồng thời khuyến khích các TCTD đã chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
NHNN đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả TCTD và các DN trong việc khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra; trong đó NHNN đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
44 nghìn khách hàng đã được các tổ chức tín dụng hỗ trợ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. |
Cảnh báo nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu. Đến nay, có 23 TCTD báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, trong đó một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Theo TS. Cấn Văn Lực, dịch COVID-19 sẽ khiến nợ xấu tiềm ẩn, bởi số DN và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực đương nhiên sẽ khó khăn về sản xuất kinh doanh. Tác động thứ hai là do tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến khá phức tạp, Trung Quốc và Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nên tổng cầu giảm, nhu cầu tín dụng giảm so với năm ngoái, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.
“Hiện, quy mô dự tính tác động không quá lớn, ngoài ra, Chính phủ và NHNN cho phép nếu hộ kinh doanh hoặc DN đó khó khăn sẽ không đưa vào nợ xấu trong năm nay mà đưa vào nợ tái cơ cấu. Rõ ràng đây là tiềm ẩn nợ xấu về lâu dài chứ không phải đẩy nợ xấu năm nay lên ngay lập tức”, TS Lực nhận định.
Doanh nghiệp được giãn nợ đến 90 ngày sau khi hết dịch COVID-19 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành dự thảo Thông tư Quy định việc các ngân hàng (trừ ngân hàng chính sách) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Đáng chú ý, dự thảo thông tư quy định, các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23-1-2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trên mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23-1-2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch COVID-19, bao gồm cả nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ theo quy định trước đây. B.K. |