Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Nhiệm vụ “sống còn” của doanh nghiệp Việt

Thứ Bảy, 29/11/2014, 10:53
Việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào các sân chơi quốc tế lớn thông qua các hiệp định thương mại tự do (TTP) vừa là cơ hội, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều thách thức. Ngày 28/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập quốc tế”, nhằm giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể nâng cao năng lực, tận dụng tối đa lợi thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt với nhiều luật chơi mới.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014-2015, chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Bên cạnh đó, Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2014, Việt Nam xếp hạng 78 trên 189 nước. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, hạn chế lớn nhất của DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào các yếu tố như: khả năng hoạch định chiến lược, phát triển thị trường và thương hiệu kém năng lực quản trị yếu và đặc biệt là năng suất lao động thấp. Ngoài ra, các rào cản về thủ tục hành chính từ môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều bất cập cũng chính là lý do khiến cho năng lực cạnh tranh của quốc gia ít nhiều bị suy giảm.

Đại diện cho DN nước ngoài đầu tư lâu năm tại Việt Nam, ông Ko Tea Yeon, Tổng Giám đốc LG Electronic Việt Nam cho rằng: Trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia luôn có nhiều tiềm năng thu hút các DN nước ngoài (FDI) đến đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, các lợi thế vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam trong thu hút vốn FDI đang có xu hướng giảm. Trong đó, chi phí đầu tư tăng, năng suất lao động thấp và chất lượng nguồn nhân lực yếu đang là nguyên nhân khiến Việt Nam mất dần lợi thế cạnh tranh.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Philip Roesler, cựu Phó Thủ tướng Đức, Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT WEF, một người gốc Việt có dịp trở về quê hương sau nhiều năm sinh sống ở Đức khẳng định: Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đạt được trong 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể làm tốt hơn nữa và sẽ phải làm tốt hơn khi áp lực cạnh tranh đang hiện hữu từ các nước trong khu vực, cũng như từ quá trình hội quốc tế ngày càng sâu rộng. Cũng theo đề xuất của Philip Roesler, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần có một khuôn khổ tài chính ổn định, hạ tầng cơ sở vững mạnh, hạ tầng số hiện đại và đặc biệt là đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời giảm bớt các thủ tục quan liêu, nhằm thúc đẩy được tinh thần kinh doanh trong cả khu vực tư nhân và khu vực kinh tế công.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong và ngoài nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Sức cạnh tranh của các DN là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Nỗ lực của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh xét cho cùng là nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát huy sức sáng tạo và đổi mới để có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đòi hỏi không chỉ quyết tâm của Chính phủ, mà cần cả sự nỗ lực vươn lên của chính các DN.

Huyền Thanh
.
.
.