Mâu thuẫn trong thu thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giải quyết
- Áp dụng một số điểm mới về thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1-7
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, cần có lộ trình phù hợp
- Tranh cãi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ còn kéo dài
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu, bia, thuốc lá
Từ năm 2008 đến nay, Quốc hội đã thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thuế TTĐB và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bia, rượu là sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã có nhiều văn bản gửi các cơ quan thuế để xin hướng dẫn về cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt và đã được Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Thuế hướng dẫn cách xác định giá để tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Từ năm 2007-2015, các doanh nghiệp đã thực hiện theo văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế.
Cuộc họp chiều 6-9 tại trụ sở VCCI nêu ra nhiều mâu thuẫn trong cách áp dụng luật thuế. |
Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước trong các đợt kiểm toán tại các doanh nghiệp năm 2014 và 2015 đã kiến nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco và Habeco do Kiểm toán Nhà nước xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt khác với các hướng dẫn của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Hai doanh nghiệp này đã có các văn bản giải trình gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước.
Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài chính về vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP Hồ Chí Minh vẫn yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo Kết luận của Kiểm toán nhà nước.
Cụ thể, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có công văn hướng dẫn Sabeco làm giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là “giá bán chưa có thuế GTGT của Tổng công ty bán ra nhưng không thấp hơn 10% so với giá bán bình quân của Công ty TNHH TM Sabeco bán ra”.
Năm 2010, Tổng cục Thuế hướng dẫn “giá tính thuế TTĐB là giá chưa có thuế TTĐB và chưa có thuế GTGT mà Tổng công ty quy định Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco khi bán ra nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán bình quân do cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Các cơ sở sản xuất bia phải kê khai, nộp thuế TTĐB”.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước lại áp dụng giá tính thuế TTĐB phải là giá bán ra của công ty bao tiêu sản phẩm, không phải là giá bán ra tại Công ty mẹ như Tổng công ty đang thực hiện.
Trước sự việc trên, Bộ Công thương đã hai lần gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giải quyết vướng mắc về thuế TTĐB. Cụ thể, trong kiến nghị ngày 6-8, Bộ Công Thương chỉ rõ khó khăn của doanh nghiệp trong việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bộ Công Thương cho rằng, việc giải thích quy định về nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt của các đơn vị Kiểm toán Nhà nước khác với hướng dẫn của cơ quan quản lý thuế, khiến các doanh nghiệp hoang mang do không có sự nhất quán trong việc giải thích và hướng dẫn việc thực thi pháp luật và các quy định của Nhà nước.
Tại cuộc họp bàn về vấn đề áp dụng thuế TTĐB chiều 6-9 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) tổ chức, ông Nguyễn Sỹ Cương, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc truy thu thuế hay hồi tố phải áp dụng có lợi cho doanh nghiệp nhưng phải được pháp luật quy định. Luật mới quy định được hồi tố.
Đối với trường hợp cụ thể của Sabeco đã có hướng dẫn của ngành Thuế. Nhưng văn bản bộ Tài chính yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn của Kiểm toán có nghĩa là Cục Thuế hướng dẫn sai. Nếu cơ quan thuế hướng dẫn sai thì phải chịu trách nhiệm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật BASICO cho rằng, hiện đã có một loạt văn bản mới, câu chuyện này không đơn thuần là thu thuế, mà là câu chuyện pháp lý, thu thuế đối với cộng đồng doanh nghiệp. Luật chỉ cho phép áp dụng hồi tố có lợi. Nhà nước chỉ cần thực hiện đúng chứ chưa nói hỗ trợ, nâng đỡ, giúp đỡ doanh nghiệp.
Tại cuộc họp chiều 6-9, ý kiến của các chuyên gia, luật sư đều cho rằng luật và các văn bản hướng dẫn thi hành để người thực hiện hiểu đúng và hiểu như nhau. Việc áp dụng luật để thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco và Habeco cho thấy có sự không thống nhất, mỗi cơ quan thực thi nhiệm vụ áp dụng một kiểu.
Nếu Bộ Tài chính giữ quan điểm truy thu, hồi tố thì tức là đi ngược với tinh thần của Chính phủ mới – Chính phủ phục vụ. Bởi vậy, Chính phủ cần xem xét và chỉ đạo giải quyết trên cơ sở pháp luật để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển phù hợp với xu thế hội nhập.