Hợp tác xã nông nghiệp thờ ơ với sản xuất công nghệ cao
- Trang trại nông nghiệp công nghệ cao triệu đô giữa rừng
- Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: “Thảm đỏ” không trải sẵn2
- Chính phủ luôn ủng hộ nông nghiệp công nghệ cao
Cả nước có gần 1.200 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với hơn 4 triệu thành viên. Song, trong khi HTX phải là đơn vị tiên phong trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để làm phong trào cho nông dân học tập thì đến nay mới có hơn 1% số HTX ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Thậm chí, nhiều HTX nông nghiệp đang lay lắt chờ chết.
Hợp tác xã tiêu biểu cũng sống mòn
Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thông tin, đến hết tháng 12-2017, cả nước có 1.668 HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động tổng hợp (60%); với hơn 4,1 triệu thành viên, giảm trên 1,3 triệu xã viên so với năm 2012; bình quân khoảng 368 thành viên/hợp tác xã.
Doanh thu bình quân cả nước của HTX nông nghiệp là 980 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 193 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, chiếm 1,65%.
“Đây là con số thấp, cần phải thúc đẩy các HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới”, ông Trung nhìn nhận. Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, các lĩnh vực sản xuất của HTX ứng dụng công nghệ cao phổ biến là sản xuất rau, trái cây, an toàn; sản xuất giống cây trồng; sản xuất hoa, làm nấm; chăn nuôi gà, lợn, bò sữa, và nuôi trồng thủy sản; chế biến và bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn đã thành lập nhiều HTX để kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, song đến nay nhiều HTX rơi vào tình trạng chờ chết, vai trò kết nối cũng không phát huy được.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh có 12/26 HTX ký kết hợp đồng kinh tế với thành viên, 2 HTX thực hiện tổ chức sản xuất với doanh nghiệp lớn gồm bò sữa và rau an toàn.
Đáng nói, 2 HTX này được Bộ NN&PTNT bình chọn là HTX nông nghiệp tiêu biểu của cả nước nhưng việc tiêu thụ nông sản cho nông dân vẫn gặp khó khăn.
Ngoài việc liên kết giữa các HTX với nhau, giữa HTX với xã viên còn lỏng lẻo thì nhiều HTX nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh hoạt động không hiệu quả. Trong đó, 8 HTX không còn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 18 HTX đang chờ giải thể.
Song, theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, việc giải thể các HTX này cũng rất phức tạp, vì một số HTX chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, không hợp tác với cơ quan chức năng…
HTX Minh Đức ứng dụng công nghệ cao vào nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa, Lào Cai. |
Chính phủ đặt hàng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trong khi đó, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ nông sản được nhận định là mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận lớn nhưng số HTX nông nghiệp áp dụng còn quá khiêm tốn.
Ông Nguyễn Thế Hải, Chủ nhiệm HTX Minh Đức (mô hình ứng dụng công nghệ cao vào nuôi, chế biến cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) ở thôn Can Hồ Mộng, xã Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai) cho hay, ban đầu, từ những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định, các hộ nuôi cá nước lạnh đã tập hợp lại và thành lập HTX Minh Đức với 30 ao nuôi cá thương phẩm (mỗi ao rộng 100m²), 1 năm HTX sản xuất ra 40 tấn cá thương phẩm, đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng.
Gần đây, để nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo sự ổn định về đầu ra, với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, HTX đã đầu tư dây chuyền hun khói để chế biến cá nước lạnh nhằm nâng cao giá trị.
“Năm nay sản phẩm làm ra đến đâu, HTX bán hết đến đấy. Dự kiến năm nay HTX sẽ mở rộng thêm 20 ao nữa nhằm tăng thêm sản lượng, cung cấp cho thị trường”, ông Nguyễn Thế Hải cho hay.
Còn Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Qua tổng hợp báo cáo từ 55 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cho thấy doanh thu bình quân hằng năm đạt khoảng 10,3 tỷ đồng/HTX, trong khi doanh thu bình quân của HTX trên cả nước chưa đến 1 tỷ đồng”.
Với thực trạng số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ở mức khiêm tốn như hiện nay, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, phải hướng dẫn HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để tăng chất lượng, giá trị và năng suất của các sản phẩm.
Đồng thời, triển khai liên kết sản xuất giữa các HTX, hộ nông dân, doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất vừa đảm bảo giá trị cao, đồng thời giảm chi phí sản xuất.
“Không nên quan niệm ứng dụng công nghệ cao là phải nhà kính, nhà lưới hiện đại hay công nghiệp hiện đại mới là công nghệ cao, tất cả rất đơn giản, chỉ là ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nam nói và cho biết thêm, mới đây Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án về HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.