Lâm Đồng:

Hai phần ba doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh bỏ cuộc

Chủ Nhật, 26/04/2015, 13:44
Vài năm gần đây, diện tích và sản lượng cá nước lạnh tại Lâm Đồng liên tục giảm mạnh, có đến quá hai phần ba doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc, đề án “Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng tới năm 2020” chắc chắn sẽ khó đạt được mục tiêu.

Doanh nghiệp tháo chạy!..

Cách đây gần chục năm, ngành nuôi có nước lạnh (gồm cá hồi, cá tầm) tại Lâm Đồng trở nên nóng hổi vì lợi nhuận hằng năm thu về rất lớn. Vào thời điểm này, không chỉ cá nhân, doanh nghiệp tại Lâm Đồng mà nhiều đơn vị ngoài tỉnh đã kéo tới một số địa phương của Lâm Đồng như Đà Lạt, Lạc Dương, Di Linh... mua hoặc thuê mặt nước để phát triển loại cá này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng lâm vào tình trạng thua lỗ nặng, dẫn đến việc phải “đoạn tuyệt” với nghề này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, năm 2014, toàn tỉnh có hơn 40 dự án đăng ký đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng. 

Nhiều doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng phải bỏ cuộc hoặc chăn nuôi cầm chừng vì gặp nhiều bất lợi. 

Theo lộ trình của đề án “Quy hoạch nuôi cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020”, thì năm 2015, tỉnh Lâm Đồng sẽ có 30ha mặt nước nuôi cá hồi cùng 40 - 50ha mặt nước nuôi cá tầm với khoảng 200 lồng, nhằm đạt sản lượng 600 tấn cá hồi và 900 tấn cá tầm. Và, tới năm 2020  Lâm Đồng sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm (bao gồm 1.000 tấn cá hồi và 2.000 tấn cá tầm). 

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nuôi cá nước lạnh toàn tỉnh chỉ còn khoảng 30ha với 11 doanh nghiệp tham gia nuôi trực tiếp, quá nửa số doanh nghiệp đã phải bỏ cuộc. Sản lượng cá năm 2014 đạt 550 tấn, nhưng đến đầu năm 2015 con số này tiếp tục giảm mạnh.

Nhiều doanh nghiệp tiên phong nuôi cá nước lạnh từ năm 2007 hiện tại đã phải bỏ cuộc hoặc chỉ nuôi cầm chừng như Công ty cổ phần Giang Ly, Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên (xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương), Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam (hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt). 

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Ngọc Mai Trang, tham gia nuôi cá nước lạnh từ năm 2007, đến nay công ty này đang có 8ha diện tích mặt nước nuôi cá nước lạnh tập trung tại huyện Lạc Dương. Tuy nhiên hiện doanh nghiệp chỉ dành 3ha là nuôi cá tầm, 5ha còn lại đành bỏ hoang.

Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, diện tích nuôi cá tầm đang giảm mạnh, còn cá hồi thì hầu như không còn doanh nghiệp nào dám nuôi thương phẩm vì càng làm càng lâm vào thua lỗ nặng.

Bất lợi đủ đường

Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, lợi thế lớn nhất hiện nay trong nghề chăn nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng là một số doanh nghiệp đã bước đầu làm chủ được công nghệ sản xuất cá giống và nuôi cá thương phẩm theo hướng an toàn. Tuy nhiên, chừng ấy thuận tiện là chưa đủ trong khi có quá nhiều khó khăn trong nghề nuôi cá nước lạnh hiện nay.

Theo đại diện Trạm Nghiên cứu cá nước lạnh Tây Nguyên, nghề nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng đang gặp muôn bề khó khăn. Nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá nước lạnh còn thiếu và yếu, sản xuất phần lớn dựa vào kinh nghiệm tự mày mò. Chất lượng sản phẩm không ổn định, hiệu quả chưa cao. 

Nghề nuôi cá nước lạnh cũng đang phải đối diện vấn đề dịch bệnh, nhưng các biện pháp kỹ thuật, thuốc sử dụng trong phòng trừ dịch bệnh chưa có nên các doanh nghiệp không dám liều lĩnh đem khối tài sản “khủng” của mình ra đi thử nghiệm cho một loại thuốc mới. Cùng với đó là vấn đề thị trường, cá nước lạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc. 

“Có giai đoạn cá tầm Trung Quốc được nhập ồ ạt về Việt Nam bán với giá rẻ, chỉ bằng một phần ba so với giá cá trong nước khiến doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khăn”, ông Vũ Bá Liên (Công ty Ngọc Mai Trang) cho biết.

Một bất lợi khách cho nghề chăn nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng được ông Trần Văn Hào cho biết, thời tiết đang ngày càng nóng lên, nguồn nước bị ô nhiễm đang trở thành “vấn nạn” đối với cá nước lạnh. Cá tầm và cá hồi rất dễ nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, nguồn nước, chỉ cần nguồn nước có sự biến đổi là có thể dẫn đến cá bị chết. 

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất được giống cá hồi, nhưng quy mô còn hạn chế, riêng cá tầm vẫn phải nhập khẩu trứng đã thụ tinh, với giá khoảng 700 triệu đồng/kg. Nguồn thức ăn dành cho cá nước lạnh đều phải nhập khẩu từ nước ngoài và phụ thuộc 100% vào nhà cũng cấp.

Gặp vô vàn bất lợi, nhiều doanh nghiệp đã phải “bỏ của chạy lấy người”, rõ ràng mục tiêu phát triển ngành nuôi cá nước lạnh đặt ra đến năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng khó mà đạt được. Dù vậy, phát biểu tại một hội nghị mới đây, một vị phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn đang đặt tham vọng: “Xây dựng Lâm Đồng thành trung tâm nuôi cá nước lạnh Việt Nam và Đông Nam Á”. Trên thực tế, lý thuyết này đang dần trở nên viễn vông.

Kim Ngân
.
.
.