Gỡ khó cho dòng vốn đến với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ Nhật, 01/11/2015, 17:03
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước ta đang sống phụ thuộc vào vốn ngân hàng (NH), có DN còn phụ thuộc tới 90% vốn vay. Điều này cho thấy DNNVV vẫn đang bế tắc trong việc vay vốn của các nhà băng.

Chiếm hơn 90% trong tổng số doanh nghiệp (DN) trên cả nước, tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của nước ta chỉ mới tiếp cận được chưa đầy ¼ tổng vốn tín dụng. Trong khi đó, phần lớn các DN này đang sống phụ thuộc vào vốn ngân hàng (NH), có DN còn phụ thuộc tới 90% vốn vay. Điều này cho thấy DNNVV vẫn đang bế tắc trong việc vay vốn của các nhà băng.

Lãi suất “ăn mòn” lợi nhuận doanh nghiệp

TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam dẫn số liệu từ cơ quan này cho biết hiện cả nước có khoảng 180.000 DNNVV đang có quan hệ tín dụng với các tổ chức tín dụng, doanh số cho vay đạt gần 1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4% so với cuối năm 2014. Vị lãnh đạo Hiệp hội này cho rằng các NH đã nhận thức được tầm quan trọng của đối tượng khách hàng là DNNVV. Nhiều NH đã xây dựng chính sách riêng, sản phẩm dịch vụ riêng cho đối tượng khách hàng này.

Tuy vậy, theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tổng tín dụng của cả nền kinh tế ước khoảng 4 triệu tỷ đồng. DNNVV chiếm trên 90% tổng số DN của cả nước, nhưng lại chiếm chưa đến 1/4 tổng vốn tín dụng cả nước, điều này cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của DNNVV vẫn còn khó khăn. Kết quả điều tra của nhiều chương trình cũng cho thấy, chỉ 30% DNNVV tiếp cận được vốn vay NH. 

Đi tìm nguyên nhân của việc các DNNVV khó tiếp cận vốn NH, chuyên gia kinh tế- TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng vì phần lớn DNNVV đang rất yếu về năng lực tín nhiệm tín dụng và sức cạnh tranh, chưa tạo dựng được sự tin tưởng cho đối tác NH về tình hình tài chính và khả năng tạo dựng dòng tiền của mình. Song, có một vấn đề muôn thuở mà dù cả phía NH cũng như DN đều đã hết sức “nhún” nhưng vẫn chưa gặp được nhau, đó là lãi suất. Nếu so sánh với thời kỳ “đỉnh cao”, các nhà băng cho vay tới 20-25%, thì rõ ràng lãi suất đã hạ rất nhiều, khi vay ngắn hạn chỉ từ 7-8%, trung và dài hạn là 9-10%- điều này đã hỗ trợ rất tích cực cho DN. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, lạm phát rất thấp, chưa đầy 1%, khả năng hết năm 2015 sẽ là 2%- điều đó cho thấy lãi suất hiện nay tương đối cao so với lạm phát.

Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất đang “ăn mòn” lợi nhuận của DN, do vậy, NHNN cần tính đến việc giảm thêm lãi suất để nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN. “Hiện nay, mối quan hệ giữa DN và NH lớn nhất là vấn đề lãi suất. Kiến nghị NHNN, trong bối cảnh như hiện nay, liệu từ đầu năm 2016 có thể giảm lãi suất được không? Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9- 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2%, xuống 7% được không?" TS. Trần Du Lịch- Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đưa ra câu hỏi.

Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Giải pháp khả thi

Trước những khó khăn của các DN, đặc biệt là DNNVV khi tiếp cận vốn NH, TS.Trần Du Lịch cho biết: ngay từ tháng 7/2012 tại TP.HCM, Thống đốc NHNN và TP.HCM cùng ngồi lại bàn và triển khai cách thức cho vay với các DN với tên gọi “nối kết doanh nghiệp”. Dù cho rằng đây là cách làm “không giống ai”, vì NHNN, với chức năng của mình không thể ngồi bàn việc cho vay tiền từng DN được, nhưng TS Trần Du Lịch cũng thừa nhận những kết quả mà các làm này mang lại, mà như ông nói, đây NHNN đang làm cách của riêng Việt Nam, vì “không đánh chính quy được thì phải đánh du kích”.

Ông Lịch cũng đưa ra những kết quả khả quan khi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh triển khai chính sách ưu đãi tín dụng cho 5 ngành: Xuất khẩu, nông nghiệp, DNNVV, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành ưu tiên trong lĩnh vực mà nền kinh tế phải phục vụ phát triển. TP.HCM báo cáo các ngành ưu tiên chiếm 70% tín dụng đã cấp. Ngoài ra, các địa phương như TP.HCM còn hỗ trợ lãi suất thêm cho các hộ nông dân sản xuất các cây, các con phù hợp với nền nông nghiệp sinh thái và công nghệ cao thành phố. Theo ông Lịch, kết quả đạt được 7.880 DN đã được vay. Số tiền vay lũy kế đã lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng.

Chỉ 30% DNNVV tiếp cận được vốn vay của ngân hàng.

Một đầu cầu kinh tế khác là TP.Hà Nội, tính đến hết tháng 8, đã có 80 ngân hàng thương mai (NHTM) và chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho 2.586 lượt DN vay 77.135 tỷ đồng thông qua Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp. Hiện, các NH đã giải thực hiện giải ngân 48.184 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi suất cho vay của chương trình luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1,5-2%/năm: “Khi mới thực hiện, lãi suất phổ biến từ 8-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-10%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.Năm 2015, lãi suất cho vay tiếp tục giảm, hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt được vay với lãi suất 4-4,5%/năm. Qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh của DN”, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết.

Đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ DN mà chương trình mang lại, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội cho rằng: “Số lượng DNNVV chiếm trên 90% tổng số DN trên địa bàn, do đó sự hỗ trợ từ phía NH là hết sức quan trọng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của DN cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động”.

Lệ Thúy
.
.
.