Gỡ khó cho doanh nghiệp nhưng không thể bằng cách cắt giảm quyền lợi của người lao động

Thứ Sáu, 13/04/2018, 10:00
Đó là quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) trả lời báo chí ngày 12- 4, xung quanh đề xuất của Bộ LĐ- TB&XH sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 49/2013/NĐ-CP liên quan thang bảng lương đang gây nhiều tranh luận.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, cần phải sửa đổi Khoản 2, Điều 7, Chương III theo hướng bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để “số bậc của thang, bảng lương do doanh nghiệp quyết định”. Đề cập đến vấn đề này, đại diện Tổng LĐLĐVN khẳng định không đồng tình với đề xuất này, đồng thời nhấn mạnh việc Bộ LĐ-TB&XH muốn gỡ khó cho doanh nghiệp phải bằng cách khác, không thể bằng cách cắt giảm quyền lợi của người lao động.

Đề xuất có lợi cho doanh nghiệp

Theo dự thảo tờ trình của Bộ LĐ- TB&XH về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 (NĐ49) ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần thiết phải ban hành nghị định sửa đổi bởi: “Việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang bảng lương của doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường”.

Tổng LĐLĐVN tiên liệu, nếu điều chỉnh cách tính lương theo đề xuất sẽ bị người lao động phản ứng quyết liệt.

Trong dự thảo này nêu rõ nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để đảm bảo khoảng cách ít nhất 5%) dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên dẫn đến doanh nghiệp phải trả cho người lao động làm 15-20 năm cao gấp 2-3 lần người mới làm việc. Bà Tống Thị Minh, đại diện Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cụ thể, sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 7, Chương III theo hướng bỏ quy định khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5% và để “số bậc của thang, bảng lương do doanh nghiệp quyết định”.

Hoặc phương án 2 là giảm từ 5% xuống 3%, tiến tới bỏ hẳn. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 3, Điều 7, Chương III theo hướng bỏ quy định nguyên tắc xác định mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng và để việc này cho doanh nghiệp quyết định hoặc giảm từ 7% xuống 5%. Đề xuất sửa đổi Khoản 3 Điều 7, Chương III theo hướng, bỏ quy định mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 5% và 7%, để tùy doanh nghiệp quyết định hoặc vẫn để định lượng nhưng giảm tương ứng xuống 5% và 3%.

Hàng nghìn công nhân sẽ phản ứng quyết liệt

Đề cập đến vấn đề này, đại diện Tổng LĐLĐVN cho rằng đây là chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết 35 ngày 16- 5- 2016 về việc hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là một trong những căn cứ đưa ra việc điều chỉnh nghị định này. Lý do thứ 2 Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là theo nguyên tắc dần dần việc thỏa thuận lương theo nguyên tắc thị trường, có nghĩa là do các bên, giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước.

Chính vì thế Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án: thứ nhất cắt bỏ hẳn, chỉ đưa ra một nguyên tắc cho các bên thống nhất thỏa thuận. Thứ hai là giảm mức từ 5% xuống còn 3%. Cả hai phương án này, Tổng LĐLĐVN đều không đồng tình.

Theo Tổng LĐ- LĐVN, Việt Nam đang xác định mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Để hài hòa tiến bộ thì điều đầu tiên chúng ta phải đảm bảo được quyền lợi cho người lao động. Những tiến triển kinh tế thời gian qua, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, và đang tiếp tục giảm bớt những khó khăn.

Cụ thể việc kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây là những tín hiệu cho thấy doanh nghiệp có đủ điều kiện để chia sẻ khó khăn với người lao động. Bản thân thu nhập của người lao động hiện cũng đang còn khó khăn. 6 triệu tiền lương thì 2 triệu thuê nhà, tiền con đi học, nuôi người thân…

“Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đây là cách để hỗ trợ, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quan điểm của Tổng LĐLĐVN là không nên coi đây là giải pháp. Muốn tháo gỡ chính phải bằng thủ tục hành chính, đấy mới là mục tiêu chứ không phải là cắt giảm quyền lợi của người lao động. Hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta phải tập trung vào động viên, nâng cao đời sống của người lao động, từ đó người lao động mới nỗ lực, đồng hành được với doanh nghiệp. Nếu hiện nay, các doanh nghiệp có khó khăn trong cách tính toán thì ta giải quyết bằng các giải pháp kỹ thuật để có giải pháp phù hợp hơn, chứ không phải bằng cách cắt giảm quyền lợi của người lao động”, ông Ngọ Duy Hiểu, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) nêu quan điểm.

Theo ông Hiểu, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thương lượng trong mối quan hệ chưa thực sự bình đẳng thì sự can thiệp của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi tối thiểu cho người lao động là thực sự cần thiết. Không thể thương lượng mà không có điểm xuất phát.

“Ít nhất là phải cho cái mốc mức lương là 100 nghìn để chúng tôi thương lượng lên 120 hay 130 nghìn. Nếu không quy định đồng nào thì người ta sẽ hạ ngay xuống 1 đồng. Từ những vấn đề trên chúng tôi cho rằng, trong bối cảnh, hoàn cảnh hiện tại việc sửa đổi Nghị định 49 là chưa phù hợp. Chúng ta thấy, cách đây mới chỉ ít ngày, Tập đoàn Pouchen ở Đồng Nai vừa mới chỉ sửa một chút thuần túy về mặt kỹ thuật hệ thống thang bảng lương mà mười mấy nghìn công nhân đã đình công. Tổng LĐLĐVN dự liệu nếu thực hiện sửa Nghị định 49 theo hướng của Bộ LĐ-TB&XH thì sẽ bị cộng đồng người lao động phản ứng hết sức quyết liệt. Do đó, chúng tôi đề nghị tạm dừng sửa Nghị định 49”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Phan Hoạt
.
.
.