Giải pháp “thúc” cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước - Kỳ 2

Thứ Sáu, 21/12/2018, 09:07
Trong rất nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan kéo CPH thoái vốn tại DNNN chậm thì “đất” và “người” được xem là nguyên nhân cơ bản. Đều là tài sản của DNNN, trong đó, đất là tài sản cứng, còn người là tài sản “mềm”, thế nhưng cả hai yếu tố này từ lợi thế lại đang trở thành lực cản cần tìm đòn bẩy để thúc tiến độ CPH DNNN.

Tiến độ cổ phần hóa: Trở đi vướng “đất”, trở lại mắc “người”


Doanh nghiệp bám đất để kiếm lãi

Trong nhiều nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra để tìm lý do cho việc chậm tiến độ thoái vốn CPH, bên cạnh nguyên nhân khách quan như diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, thương mại của khu vực và thế giới thì nguyên nhân chủ quan đầu tiên vẫn là tự bản thân các DNNN chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. 

“Đáng chú ý, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước”, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh. 

Ngoài ra, một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị DN để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đấy là chưa kể quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện. 

Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH; hay tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH...

"Vấn đề đất đai không mới, tại sao cứ CPH phải bàn đến đất đai?", ông Đặng Quyết Tiến (Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính) đặt vấn đề khi nêu những khó khăn về giải quyết tài sản đất đai trong quá trình CPH DNNN. 

Thực tế, đây đang trở thành “điểm nghẽn” khi DNNN muốn chuyển đổi sang cổ phần và cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ CPH "dậm chân tại chỗ” do các vướng mắc, bất cập trong quản lý, xác định giá đất kéo dài chậm được tháo gỡ, khắc phục. 

Việc xử lý đất không chỉ mất thời gian, mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi, cụ thể là lợi nhuận như trường hợp Văn phòng phẩm Hồng Hà đang từ có lãi trở thành thua lỗ khi “bóc” lợi nhuận từ tiền thuê đất nêu trên. Hay như Hapro, trước khi CPH đã phải mất 1,5 năm để sắp xếp lại đất đai, thu về hơn 100 mảnh khác nhau. 

"Có những mảnh mấy chục mét vuông nhưng sẽ là cơ hội khởi nghiệp cho các thành phần kinh tế khác", ông Tiến nói và cho rằng, giải phóng đất đai từ các DNNN sẽ cung cấp thêm nguồn lực mới.

Một ví dụ khác là "lùm xùm" đất đai trong cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Do không giải quyết triệt để mảng đất đai, nhiều vấn đề sau CPH nảy sinh do thời hạn thuê đất đã hết từ năm 2012, nợ đọng kéo dài nhiều năm nhưng không bị thu hồi và sau đó đánh giá bằng 0. 

Agribank phải xử lý 4 triệu m2 đất để cổ phần hóa.

Vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, khác với trước đây quá trình CPH diễn ra song song với sắp xếp lại đất đai, thì trong giai đoạn này, trước khi CPH, các DN sẽ phải hoàn thành quá trình rà soát lại đất đai. Sau khi rà soát, DN báo cáo với địa phương, xác định đất phù hợp mới được sử dụng, tính vào giá trị. Đất thừa, không sử dụng sẽ bị thu hồi.

Với chủ trương mới này, câu chuyện 4 triệu m2 đất của Agribank cũng đang là vấn đề được cơ quan chức năng cũng như DN này nhiều lần ngồi lại với nhau để bàn bạc. 

Theo đó, Agribank đưa ra lộ trình tới năm 2019 sẽ tiến hành CPH, song vì liên quan tới vấn đề cấp sổ đỏ, định giá đất đai... của 4 triệu m2 này nên phía Bộ Tài chính cho rằng Agribank phải sắp xếp xong xuôi, có trên tay phương án sử dụng đất rồi mới tiến hành CPH, vì nếu chốt thời điểm CPH sớm quá sẽ không hiệu quả, định giá càng xa thời điểm chốt, giá trị DN sẽ càng xuống. 

Bởi vậy, Agribank sẽ phải tính toán lại, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ có chốt CPH vào 1-1-2019 hay không, vì có nhiều trường hợp đất đai không có giấy tờ, Agribank được địa phương cắt cho mảnh đất, bàn giao chỉ bằng một tờ giấy, qua hàng chục năm không hề làm thủ tục để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng rắc rối này đều phải được giải quyết trước khi tiến hành CPH.

Tuy nhiên, rắc rối khách quan là một chuyện, có nhiều vướng mắc về đất do chính các DN gây nên. Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có DN lợi dụng CPH chiếm đất công, có DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất... 

Thậm chí có một số DN sau CPH đã lợi dụng chính sách quản lý đất đai của Nhà nước như việc di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mà không để các cơ quan có thẩm quyền thu hồi, không đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. 

“Có một số trường hợp không thực hiện đấu giá dẫn đến dư luận tâm tư, nhiều ý kiến cho rằng thất thoát và lãng phí”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết và thông tin trong Nghị định 126/2017 đã quy định rõ, các địa phương nơi DN CPH có sử dụng đất phải chịu trách nhiệm phê duyệt phương án sử dụng đất của DN sau CPH.

Lợi ích nhóm “níu” tiến độ tái cơ cấu

Bên cạnh những vướng mắc về đất, một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng chậm trễ CPH DNNN là ngay bản thân các lãnh đạo DN với tư tưởng sợ sai phạm, sợ “mất ghế”, hay do lợi ích nhóm, sân trước sân sau, hay chính người lao động cũng chưa “thông” nên cũng không ủng hộ quá trình tái cơ cấu.

Tại hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nguyên nhân con người như việc chấp hành chỉ đạo của cấp trên, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được nghiêm; còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa thông trong vấn đề đổi mới khi CPH, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau CPH, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới; lợi ích nhóm, tham nhũng trong CPH, thoái vốn. 

So sánh khối tài sản 3 triệu tỷ đồng mà các DNNN đang nắm giữ với mức GDP 5 triệu tỷ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lực lượng DNNN rất cần thiết cho sự phát triển của đất nước, vì thế không thể “giải tán” vai trò của DNNN. 

Thủ tướng lưu ý, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực; còn nợ xấu, thua lỗ, thất thoát lớn, quản trị còn yếu kém... và nêu hàng loạt bất cập trong quản trị DNNN như: Tình trạng không chịu học hỏi, nghiên cứu đổi mới, bổn cũ chép lại, "bình cũ rượu mới", tình trạng sân trước sân sau. 

“Không những 1 sân trước mà còn có 4,5 sân sau. Có “ông” 14-15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”, Thủ tướng nói và cảnh báo, tình trạng này không phải cơ quan chức năng không biết. Từ đó, Thủ tướng đề nghị các DNNN phải nhìn vào các yếu kém của mình để chấn chỉnh.

Chung nhận định về vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cảnh báo đang có hiện tượng cài cắm một số nhân sự cốt cán vào DN để thôn tính. Theo đó, bên cạnh tăng cường thanh tra, kiểm toán, cần phải hoàn thiện ngay thể chế để bịt các lỗ hổng, đặc biệt là lỗ hổng CPH, nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước... Đi liền với giải pháp để đẩy nhanh tiến độ CPH, ý kiến từ các đại biểu Quốc hội còn cho rằng, cần chú trọng nâng cao chất lượng CPH…

“Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm. Chúng ta phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, đây cũng là một nguyên nhân chính cản trở quá trình cơ cấu DNNN” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Có những DN sử dụng đất đai ở nhiều địa phương nên việc triển khai xử lý đất trước CPH bị chậm. Do vậy, năm nay, theo kế hoạch phải CPH 85 DN, nhưng mới phê duyệt được 12 DN. Để khắc phục tình trạng chậm trễ này, cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các tổ chức, các cấp, các ngành”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Hà An
.
.
.