Giải pháp nào cho doanh nghiệp đầu tư trong “bình thường mới”?
- Doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế số
- Gần 111,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
- Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội thời COVID-19
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó đạt
Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc mở cửa lại nền kinh tế vào cuối quý II/2020 đã giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại vào quý III/2020 với sự hồi phục được ghi nhận ở cả phía cung và phía cầu. Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn thấp nhưng đã có những dấu hiệu khả quan.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2020 ước đạt 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 2011 - 2020, nhưng vẫn cao hơn nhiều mức tăng của quý II (0,39%). Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 2,12% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu hết các ngành tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn chậm trong quý III/2020.
Ông Tú Anh cho biết, mục tiêu giảm thất nghiệp, giữ công việc cho người lao động cũng không đạt được. Số lượng việc làm được phục hồi, nhưng chủ yếu là việc làm trong khu vực phi chính thức, trong khi việc làm khu vực chính thức mặc dù có tăng trong quý III/2020, nhưng vẫn giảm 1,75 triệu việc làm so với quý III/2019. Số lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên các mức độ mất việc làm, nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… tính đến tháng 9 năm 2020 là 31,8 triệu người, tăng thêm khoảng 1 triệu người so với cuối tháng 6-2020 (theo điều tra của Tổng cục Thống kê)…, trong đó 68,9% số lao động bị giảm thu nhập ở mức nhẹ, 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% phải nghỉ hoặc tạm ngừng việc.
Các doanh nghiệp rất cần vốn để duy trì hoạt động. |
Trong bối cảnh hiện nay, khi hầu hết các DN giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ, các biện pháp về giảm thuế thu nhập nhìn chung không có tác dụng lớn như kỳ vọng. Theo ông Tú Anh, khó khăn và cần nhất đối với DN lúc này là hỗ trợ vốn thực để duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, song đến nay ngoài các chính sách về thuế, phí và các biện pháp từ các tổ chức tín dụng thì Nhà nước chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ tài chính đủ lớn (chẳng hạn, bảo lãnh tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi có mục tiêu, tăng vốn cho DNNN...) để DN có được nguồn vốn cần thiết nhằm không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn này mà còn tạo thế, lực tận dụng cơ hội phát triển bứt phá cho chu kỳ kinh tế mới sau khi dịch bệnh qua đi.
“Mục tiêu phát triển 1 triệu DN năm 2020 là không thể đạt được khi số lượng DN đang hoạt động tại thời điểm 30/9/2020 chỉ mới đạt 794.858 DN. Kết quả này có thể nhìn thấy trước từ đầu năm 2020 ngay cả khi COVID-19 không xảy ra. Nguyên nhân chính là do các nỗ lực đổi mới thể chế chậm được triển khai. Thêm vào đó, quá trình cổ phần hóa DNNN chậm chạp cũng làm chậm quá trình lan tỏa thành lập các DN ngoài nhà nước”, ông Nguyễn Tú Anh phân tích.
Nên thành lập tổ hợp tín dụng 300 nghìn tỷ?
Trước những khó khăn của nền kinh tế nói chung và các DN nói riêng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn EY Việt Nam nhấn mạnh về việc phát triển kinh tế số, trong đó cần nâng cao nhận thức của người dân về kinh tế số, cũng như có các chính sách hỗ trợ để các DN nhỏ, DN siêu nhỏ, hay các cá nhân có thể tham gia sâu hơn vào hoạt động kinh tế số. Khu vực mở rộng của kinh tế số bao gồm những hoạt động phổ biến và quen thuộc như thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, và kinh tế gắn kết lỏng.
“Thị trường số là một thị trường mở, với cơ hội mở ra một cách công bằng cho bất cứ ai tham gia thị trường. Việc nắm bắt và phát huy được các cơ hội này tùy thuộc vào khả năng nhanh nhạy, đánh giá đúng về đối tượng sử dụng dịch vụ, am hiểu về thị trường, cũng như chất lượng sản phẩm dịch vụ được cung cấp của mỗi cá nhân đầu tư trên thị trường số”, bà Dương góp ý.
Đi vào vấn đề cụ thể hơn là “trợ lực” trực tiếp cho DN, TS Nguyễn Trí Hiếu dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong 10 tháng đầu của năm nay có gần 85.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Theo TS Hiếu, hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các DN nhỏ và vừa rất lớn, trong khi đó, các ngân hàng lại rất cẩn trọng trong hoạt động cho vay. Vì thế, vị chuyên gia này khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thành lập một Tổ hợp Tín dụng (Loan Syndication). Tất cả các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này, với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.
Mục tiêu chính của Tổ hợp không phải là lợi nhuận, mà là hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn vì tác động của đại dịch COVID-19. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay là 8,7 triệu tỷ đồng, nếu tham gia với tỷ lệ 3-3,5% hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, cũng tương tự gói 300.000 tỷ đồng các ngân hàng đã triển khai trước đó.
Thời hạn cho vay là 5 năm. Đối tượng vay là các DN và hộ kinh doanh toàn quốc theo những tiêu chí sẽ được quy định cụ thể theo hình thức vay tín chấp, lãi suất 3-5%/năm, cùng với khoản phí 1% trên tổng số tiền vay hay hạn mức vay. Dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, Tổ hợp đưa ra những tiêu chí và quy định cụ thể rõ ràng cho những DN và hộ kinh doanh tham gia vay vốn từ Tổ hợp.
“Công cụ quan trọng để hạn chế rủi ro cho ngân hàng là cơ chế bảo lãnh tín dụng. Chính phủ đã có Quyết định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, nhưng trong đó chỉ mới đề cập đến quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương. Cần phải có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia và có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả các ngân hàng tham gia tổ hợp tín dụng. Nếu gói tín dụng này lên đến 300.000 tỷ đồng, thì quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia cần phải có vốn điểu lệ lên đến ít nhất 30.000 tỷ đồng, có nghĩa là tỷ lệ bảo lãnh trên vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia phải ở mức 10:1.
Một tổ hợp tín dụng cộng với một Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các DN (vốn lưu động và vốn đầu tư cho công tác chuyển đổi số), đặc biệt các DNNVV đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp hoàn cầu”, ông Hiếu nói.