Giải bài toán về vốn cho ngành công nghiệp cơ khí

Chủ Nhật, 29/09/2019, 07:42
Tại hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, đưa ngành công nghiệp cơ khí phát triển mạnh mẽ.


Thủ tướng cam kết sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa, tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho doanh nghiệp (DN).

Đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 25.014 DN cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số DN công nghiệp chế biến chế tạo. Số DN này có doanh thu thuần trên 1,4 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 1,12 triệu  lao động.

Trong nước đã có hệ thống các nhà máy cơ khí với đủ các quy mô lớn nhỏ. Tại một số địa phương, vùng kinh tế đã manh nha mô hình cụm ngành (cluster) về ngành chế tạo (như khu phức hợp cơ khí Chu Lai – Quảng Nam...).

Khó khăn tiếp cận vốn nên dù có đơn hàng, DN vẫn không thể cạnh tranh, không thể mở rộng và đầu tư. Ảnh minh họa.

Ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Trong nước có khoảng gần 40 DN sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm.

Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt khoảng 85-95%. Đặc biệt, ngành cơ khí dầu khí đã chế tạo thành công và bàn giao đi vào hoạt động giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90m nước, thay thế cho việc nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài.

Theo ý kiến một số DN, hiệp hội, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 21.000 DN cơ khí nội địa (không tính DN FDI) đang sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển. Những DN cơ khí có số lượng lao động từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 DN), còn lại đa phần là DN cơ khí có quy mô nhỏ.

Nếu không có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước, định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác.

Giải bài toán vốn để doanh nghiệp lớn được

Vốn là vấn đề quan trọng trong việc thúc đẩy DN đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, việc huy động vốn của DN ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gặp rất nhiều khó khăn và đây chính là trở ngại lớn đối với DN.

Tại tọa đàm “Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” mới đây, bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành CNHT, giúp DN Việt Nam tiến bộ khá nhiều.

Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ DN về tài chính hầu như khá khó khăn. “Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp.

Trong khi ở các nước, DN chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam điều này không thể. Doanh nghiệp phải tự “chiến đấu”, trong khi lĩnh vực khác dễ kêu gọi đầu tư vốn nhưng ngành công nghiệp rất khó kêu gọi đầu tư vốn”, bà Bình nhấn mạnh.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp (chuyên sản xuất cơ khí chính xác) cho biết, DN đã trở thành nhà cung cấp cho Toyota, Thaco, Vinfast... từ nhiều năm.

Tuy nhiên, do khó khăn tiếp cận vốn nên dù có đơn hàng, DN vẫn không thể cạnh tranh, không “lớn” được vì không có tiền để mở rộng và đầu tư. “Chúng tôi không lớn được vì tài sản của chúng tôi thế chấp hết rồi, không có tiền đầu tư dây chuyền hiện đại. Trong khi đó không vay tiếp được mặc dù đã trình hợp đồng, đơn hàng của đối tác với các ngân hàng”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo bà Bình, đặc điểm của ngành CNHT là phải có đầu tư tốt, nhưng chúng ta lại không có. Hiệp hội cũng đã thử kêu gọi các quỹ đầu tư nhưng họ bảo lợi nhuận thấp nên không mặn mà, trong khi họ sẵn sàng đi đầu tư cho quán cà phê.

 Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện nguồn vốn, tiếp cận ưu đãi về chính sách của DN CNHT cũng là câu chuyện nhận được nhiều quan tâm. Theo bà Bình, tiếp cận các ưu đãi của Chính phủ là điều không hề đơn giản nên DN không mấy mặn mà. Thực tế để xin được xác nhận ưu đãi chỉ dành cho dự án mới hoặc là sản phẩm ưu tiên, phải đạt tiêu chuẩn EU hoặc những quy định khá ngặt nghèo. Hầu như chỉ các DN FDI mới đáp ứng được.

Theo Bộ Công Thương, hệ thống chính sách cho thúc đẩy CNHT hiện đã khá đầy đủ, góp phần tạo chuyển biến tích cực và hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Trong 5 năm kể từ 2012-2017, số lượng các DN  CNHT đã đạt 300 DN tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tỷ lệ nội địa hóa cho ngành linh kiện điện tử, ôtô đã tăng. Tuy nhiên, các chính sách hiện hành vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy DN CNHT phát triển như về thuế, tín dụng, đất đai. Chất lượng và năng lực cạnh tranh của DN CNHT vẫn còn thấp. Thời gian tới, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ cần được sửa đổi để đáp ứng thiết thực hơn nữa các nhu cầu, mong muốn của DN.

Bà Nguyễn Xuân Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) cũng thừa nhận, số lượng DN trong nước được hưởng ưu đãi khá thấp so với doanh nghiệp FDI. Với cơ chế trước đây chỉ có 1 DN được hưởng ưu đãi thì với chính sách mới hiện đã có 55 hồ sơ xin xác nhận hưởng ưu đãi, và đã có 37 hồ sơ được xác nhận. Tuy nhiên, số lượng DN trong nước được hưởng ưu đãi khá thấp so với DN FDI, chỉ được 5 DN.

“Để hưởng được ưu đãi DN phải có hồ sơ xác minh. DN FDI quan tâm chính sách hơn rất nhiều, họ có bộ phận pháp lý và pháp chế cho hoạt động này, chuẩn bị hồ sơ rất đầy đủ. Còn hầu hết DN trong nước thì không có nguồn lực chuẩn bị cho hoạt động này hoặc không biết”, bà Thúy nói.

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho hay, hiện nay đã có những bàn thảo các lĩnh vực công nghiệp cần ưu tiên như da giày, điện tử, may mặc, điện tử, cơ khí… Tuy nhiên, để gộp các ngành có một chính sách chung về phát triển CNHT là “không ổn”.

Do vậy, để thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành cơ khí phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được.

Phan Đức
.
.
.