Forever 21 sẽ đệ đơn phá sản, đế chế thời trang nhanh đang lung lay?
Theo nguồn tin do nội bộ Forever 21 cung cấp, trong suốt nhiều tháng qua, công ty này đã nỗ lực đàm phán để có thêm nguồn tài chính, và làm việc với các nhóm cố vấn để giúp tái cơ cấu nợ.
Tuy nhiên, thay vì tìm ra một giải pháp cho "gã khổng lồ" của dòng thời trang giá rẻ, các cuộc đàm phán với những nguồn vốn vay tiềm năng đều đi vào bế tắc.
Một cửa hàng của Forever 21 tại Miami. Ảnh: Bloomberg |
Đây là hệ quả sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, cạn kiệt nguồn vốn, dẫn đến trượt dài trong khủng hoảng của hãng thời trang đình đám một thời này.
Theo luật bảo hộ phá sản Mỹ, đơn xin phá sản sẽ giúp Forever 21 đóng cửa một số cửa hàng làm ăn thua lỗ và giảm nợ, từ đó tái cấp vốn do doanh nghiệp.
Hiện, Forever 21 chưa đưa ra bất cử phản hồi nào về thông tin nộp đơn phá sản. Song các chuyên gia cho rằng, động thái này đang chứng tỏ sự phản kháng yếu ớt của Forever 21 trước sự xâm lấn của cơn bão mang tên "bán lẻ trực tuyến".
Với hơn 800 cửa hàng trên khắp thế giới, Forever 21 cũng gặp phải vấn đề nguồn vốn để duy trì kinh phí cửa hàng, trong khi số lượng khách đến mua trực tiếp ngày càng tụt giảm.
Việc đệ đơn phá sản có thể giúp hãng thời trang này tạo lập một công ty mới có quy mô nhỏ hơn và định hình lại thị trường cũng như chiến lược quảng bá và bán sản phẩm của mình.
Năm 2019 cũng có thể coi là một năm buồn của nền thời trang nhanh thế giới. Sự trỗi dậy của các cửa hàng bán lẻ trực tuyến đang đe dọa sự tồn tại của không ít thương hiệu danh tiếng, từ Topshop, Gap cho đến Forever 21.
Hồi đầu năm, Gap tuyên bố đóng cửa 230 cửa hàng trong năm nay. Giữa lúc đó, Arcadia Group - công ty mẹ của Topshop và Topman - cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.