Doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm kiếm cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do
- Nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu
- Lĩnh vực xuất nhập khẩu vượt khó như thế nào?
- Tiếp tục cải cách thủ tục hỗ trợ xuất nhập khẩu
- Ngành xuất nhập khẩu hàng hóa tìm hướng đi mới
Thực tế cho thấy, kim ngạch XK của nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam trong tháng 2-2020 đã giảm tới 15,1% so với tháng 1-2020. Có tới 8/9 mặt hàng trong nhóm này có kim ngạch XK giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 2 đã tăng 4% so với tháng 1-2020, đạt 16 tỷ USD.
Tính chung 2 tháng năm 2020, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 31,39 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ, chiếm 85,01% tổng kim ngạch XK chung của cả nước. Trong đó, một số mặt hàng XK đạt giá trị cao như: Điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 26,7%; hàng dệt may đạt 4,5 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 19,6%. Trong 2 tháng đầu năm 2020, cả nước có 7 mặt hàng đạt trị giá trên 1 tỷ USD, trong đó đều là các mặt hàng thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%.
Hai hiệp định CPTPP và EVFTA đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. |
Hiện, do tác động của dịch COVID-19, nhiều DN ngành dệt may, điện tử… đang khá lo lắng thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, thậm chí xảy ra nguy cơ phải dừng sản xuất trong một vài tháng tới, do đó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, XNK. Trước những khó khăn và thách thức này, Bộ Công thương cho rằng, động lực mới cho tăng trưởng XK hàng hoá của Việt Nam trong thời gian tới có thể tới từ Hiệp định EVFTA được ký kết và sớm có hiệu lực.
Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn thâm nhập thị trường quy mô GDP tới 18.000 tỷ USD. EVFTA dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 7-2020. Với CPTPP, ngay trong năm đầu thực thi, Hiệp định CPTPP đã giúp kim ngạch XK của Việt Nam tăng 8,3%.
Bởi trên thực tế, kim ngạch XK hàng dệt và may mặc mặc dù sụt giảm trong tháng đầu năm nhưng tính chung cả năm ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các FTA vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng XK đến các thị trường lớn trên thế giới. “Khi EVFTA được phê chuẩn đi vào thực thi sẽ tạo đột phá trong phát triển dệt may vào thị trường châu Âu, bởi đây là thị trường truyền thống với mức tăng trưởng duy trì đều đặn, giá trị gia tăng cao, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại sản phẩm”, Bộ Công Thương nhận định.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng, EVFTA sau khi đi vào thực thi sẽ tăng tính cạnh tranh và mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng doanh thu XK của doanh nghiệp sẽ tăng từ 10-15%, dự kiến đạt 45% trên tổng doanh thu XK.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế XK được đưa về 0% sẽ là yếu tố giúp giá cá tra Việt Nam cạnh tranh hơn, kích thích sức mua của người tiêu dùng EU. Với việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe mà EU đưa ra trong EVFTA, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cũng kỳ vọng sẽ khôi phục lại giá trị XK 500 triệu USD/năm trong 2 - 3 năm tới.
Đứng trước cơ hội mang lại từ EVFTA, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận định, hiệp định sẽ giúp kim ngạch XK giày dép Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng trở lại. EU luôn là thị trường XK giày dép lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua.
Đồng tình với những dự báo của Bộ Công Thương, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. Trong đó, CPTPP được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể XK hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản… Các FTA thế hệ mới được ví như những con đường cao tốc nối nền kinh tế Việt Nam tới các thị trường giàu tiềm năng.