Doanh nghiệp vận tải tiếp tục được giảm phí, bớt gánh lo
Ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 47/2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 1/7 đến 31/12/2021, xe ôtô kinh doanh vận tải khách được giảm 30% phí sử dụng đường bộ mỗi tháng, còn xe kinh doanh vận tải hàng hóa được giảm 10%. Đây là đợt giảm phí thứ 3 liên tiếp (bắt đầu từ ngày 10/8/2020 đến hết năm 2020, 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm 2021), nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Về số lượng xe được giảm trừ, theo ông Bình, hiện chưa có thống kê cập nhật cụ thể, nhưng trong đợt giảm đầu tiên ước tính có hơn 805 nghìn xe được giảm, với số tiền khoảng hơn 316 tỷ đồng.
Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn. |
Việc giảm phí được thực hiện tại các trung tâm đăng kiểm khi xe vào kiểm định và được tính toán giảm trừ tự động trên phần mềm. Số phí được giảm bằng cách bù trừ vào kỳ nộp phí đường bộ tiếp theo của phương tiện. Đối với trường hợp phương tiện đăng kiểm và nộp phí đường bộ trước ngày 1/7 vẫn phải thực hiện nộp đủ phí đến ngày 31/12/2021.
Khi đến kỳ đăng kiểm và nộp phí tiếp theo sẽ được bù trừ số phí đã nộp trong thời gian trên theo mức quy định. Các xe bắt đầu đăng ký kinh doanh vận tải và nộp phí đường bộ từ sau ngày 1/7 sẽ được tính từ ngày nộp phí từ ngày nộp đến 31/12/2021. Trường hợp các xe kinh doanh vận tải đã nộp phí đường bộ cho cả 3 đợt giảm phí và có hạn đăng kiểm sau ngày 31/12/2021, khi đi đăng kiểm và nộp phí sẽ được tính bù trừ giảm cho thời gian từ ngày 10/8/2020 đến 31/12/2021.
Trước việc giảm phí, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có ảnh hưởng đến Quỹ bảo trì đường bộ? Trả lời cho câu hỏi này, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, việc giảm phí này không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn bảo trì đường bộ. Đây là giảm phí đường bộ cho đối tượng kinh doanh vận tải chứ không phải giảm cho tất cả phương tiện. Tuy chưa có tính toán cụ thể nhưng nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ (sau khi giảm phí cho các phương tiện kinh doanh vận tải) chỉ giảm khoảng 10-15%. Tỷ lệ này không ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn dành cho công tác bảo trì đường bộ. Trong trường hợp doanh thu từ quỹ bị ảnh hưởng, công việc bảo trì đường bộ vẫn phải thực hiện nhưng nguồn vốn có thể chuyển tiếp sang năm sau thanh toán cho nhà thầu. Đầu mục công việc bảo trì vẫn giữ nguyên nhưng có thể giảm vốn bố trí cho dự án. Chẳng hạn, một dự án bảo trì cần 30 tỷ đồng, thay vì bố trí vốn trước 70% thì nay có thể giảm xuống còn 50 - 60%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, sau khi giảm phí cho các phương tiện kinh doanh vận tải, nguồn vốn dành cho bảo trì đường bộ không thay đổi, tổng nguồn chi vẫn được giữ nguyên. Hiện nay, ngoài phần thu được từ đầu phương tiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo trì đường bộ nên ngân sách vẫn phải cấp bù. Phương thức thu nguồn phí này đã thay đổi, nguồn thu đã hòa vào ngân sách nên ngân sách vẫn đảm bảo đủ như kế hoạch bảo trì đã đặt ra hàng năm.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho hay, việc giảm 1/3 phí đường bộ trong 6 tháng là điều đáng mừng, doanh nghiệp cảm nhận rõ sự quan tâm của cơ quan chức năng, đồng thời ít nhiều cũng sẽ bớt được một phần gánh lo.