Doanh nghiệp tăng về số lượng đơn vị và lao động

Thứ Năm, 20/09/2018, 08:49
"Số lượng đơn vị và số lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. So với năm 2012, năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9%”, đây là nhận định của ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017, diễn ra vào sáng 19-9.


Số doanh nghiệp tăng, hợp tác xã giảm

Theo báo cáo, số lượng đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, tôn giáo tiếp tục tăng, tập trung ở khu vực dịch vụ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Tính đến thời điểm 1-7-2017, cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp (KTHCSN), thu hút 26,9 triệu lao động.

Hộ kinh doanh cá thể được khuyến khích lập doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

"Số lượng đơn vị và số lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. So với năm 2012, năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9%; bình quân mỗi năm số đơn vị kinh tế tăng 2,6% và lao động tăng 3,7%; số đơn vị hành chính sự nghiệp tăng 2,3%, lao động tăng 11,3%, bình quân mỗi năm số đơn vị tăng 0,4%, lao động tăng 2,2%", ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.

Tính đến thời điểm tháng 7-2017, doanh nghiệp (DN) có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn DN đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn DN (tăng 51,6% so với năm 2012. Đơn vị kinh tế Hợp tác xã hiện có 13,6 nghìn DN, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có 5,1 triệu cơ sở, tăng 11,2% về số lượng cơ sở so với năm 2012, bình quân mỗi năm tăng 2,1%.

Xét theo vùng kinh tế, đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị. Vùng Đông Nam Bộ có quy mô lớn nhất cả nước về số DN với 216,2 nghìn DN, chiếm 41,7% tổng số DN của cả nước.

Báo cáo cũng cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển nhanh. Số lượng các đơn vị hoạt động trong khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất tới 81,1% và cao hơn mức 78,7% của năm 2012.

Đáng chú ý, trong năm 2016, mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân 1 DN đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/DN, cao hơn rất nhiều so với khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 18 tỷ đồng/DN và DN ngoài Nhà nước là 1 tỷ đồng/DN.

Mức thuế và các khoản ngân sách bình quân trên 1 DN ở các DN lớn đạt 57,8 tỷ đồng; DN vừa là 8 tỷ đồng và DN siêu nhỏ đóng góp ít nhất là 122 triệu đồng. Đặc biệt, giai đoạn 2016 – 2017, khối DNNN đã giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp.

Tỷ lệ số DNNN giảm từ 1,01% năm 2011 xuống còn 0,53% năm 2016, thuế và đóng góp ngân sách Nhà nước giảm từ 35% xuống còn 32,2%. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), các DN khối FDI phát triển mạnh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã phản ánh toàn diện sự phát triển của các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp giai đoạn 2012 – 2017 trong phạm vi cả nước, theo các vùng kinh tế và từng địa phương. Kết quả Tổng điều tra cho thấy trong 5 năm qua các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh những xu hướng tích cực về đổi mới cơ cấu ngành và vùng kinh tế, thực trạng hoạt động cũng thể hiện những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong những năm qua.

1 triệu doanh nghiệp: khó nhưng có thể đạt được

Với con số 517,9 nghìn DN được thống kê, nhiều ý kiến nghi ngại về mục tiêu đến năm 2020 số lượng DN Việt Nam khó đạt đến con số 1 triệu. Trả lời về vấn đề nay, ông Phạm Đình Thúy, Cục Thống kê công nghệ cho biết: Với chỉ tiêu đặt ra, mỗi năm, Việt Nam phải tăng thêm 130 DN (đã trừ những DN phá sản, giải thể). Mục tiêu này sẽ rất khó khăn, vì năm 2016, cả nước có 110 nghìn DN thành lập, năm 2017 là 116 nghìn.

“Mục tiêu 1 triệu DN sẽ không hề dễ dàng, bởi vậy, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ, động viên DN. Những nhiệm vụ chính đó là ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách cơ sở pháp lý, thủ tục hành chính, đặc biệt cải cách những thủ tục hành chính đang cản trở sự phát triển của DN; đồng thời, Nhà nước phải hỗ trợ DN như về vay vốn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, công nghệ và đào tạo lao động. 

Bên cạnh đó, với khu vực hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, cần động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để những hộ này thành lập DN. Tuy nhiên, trong số những hộ kinh doanh cá thể hiện nay, chỉ có khoảng 1/3 là đáp ứng đủ điều kiện để thành lập DN. Số lượng này là không nhiều và nếu không vận dụng triệt để, chúng ta sẽ khó đat chỉ tiêu”, ông Thúy cho biết và khẳng định: “Mục tiêu là một thách thức, nhưng chúng ta có thể đạt được nếu quyết tâm và thực hiện các giải pháp đồng bộ”.

Liên quan đến nhận định “DN Việt Nam không chịu lớn, thậm chí đang ngày càng nhỏ đi”, ông Thúy cho biết do ở Việt Nam phát triển DN nhanh, nhưng lại tập trung vào nhóm DNNVV, nên thấp đi cả về quy mô cũng như số lượng lao động. Việc khuyến khích các hộ kinh doanh, hợp tác xã thành lập DN là xu hướng phù hợp, nhưng phải chấp nhận quy mô nhỏ, và chúng ta phải phát triển dần, đầu tư dần trong tương lai.

Kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. 

* Tổng điều tra kinh tế năm 2017 được thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu quan trọng là nhằm thu thập thông tin đánh giá sự phát triển về số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp; đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu thông tin của xã hội.

Kết quả từ cuộc Tổng điều tra được sử dụng để biên soạn chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đồng thời bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.

Hà An
.
.
.