Doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng vì thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Chủ Nhật, 07/01/2018, 07:42
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017, trong đó có số liệu về chi phí của doanh nghiệp (DN) với những con số giật mình. 


Chi phí thực tế chỉ tăng chứ không hề giảm bởi chi phí kiểm tra chuyên ngành hiện còn quá lớn, đặc biệt là phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, phí kiểm dịch thú y và phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu... mà DN bỏ ra điều này thật đáng để suy ngẫm.

Chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn

Theo Bộ KH&ĐT, chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn gây ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cắt giảm chi phí cho DN”.

Cụ thể, để nhập khẩu một lô hàng điện lạnh, DN phải thực hiện các loại kiểm tra sau: Kiểm tra tương thích điện từ (EMC): 16-20 triệu/mẫu sản phẩm (không kiểm tra phá huỷ). Chi phí không chính thức là 4 triệu/tờ kết quả. Kiểm tra hiệu suất năng lượng: 16 triệu/mẫu sản phẩm. Kiểm tra hợp quy và dán tem CR: 6 triệu/mẫu sản phẩm và giá trị mẫu sản phẩm bị mất (kiểm tra phá huỷ đối với sản phẩm nhập lần đầu).

Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm.Ảnh: minh họa

Chi phí không chính thức 2-3 triệu/tờ kết quả. Với thủ tục xin mã công bố của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) để được dán nhãn năng lượng thực hiện theo lô, chi phí chính thức: 500 nghìn đồng/hồ sơ, còn chi phí không chính thức: 2 triệu đồng/hồ sơ.

Như vậy, tổng cộng các chi phí để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh khoảng 70 triệu đồng (không bao gồm giá trị mẫu bị phá huỷ). DN tính toán nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ gồm vài chiếc thì DN không có lãi, thậm chí lỗ. Hay lô hàng gồm 6 máy xay thịt, để thực hiện thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, DN phải thử nghiệm sản phẩm tại đơn vị được Bộ Y tế chỉ định với mức phí 22,9 triệu đồng.

Tổng phí kiểm tra chuyên ngành đối với 1 lô hàng 28.500 tấn khô dầu đậu tương, nhập khẩu qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) của 29 DN lên tới khoảng 157 triệu đồng, trong đó, phí kiểm tra chất lượng khoảng 123 triệu đồng, phí kiểm dịch thực vật khoảng 34 triệu đồng.

Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Tổng cục Thuỷ sản khoảng 40 – 50 triệu đồng cho lô hàng 60 – 70 tấn. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Cục Chăn nuôi là 500 nghìn đồng – 700 nghìn đồng/sản phẩm. Một lô hàng nhập khẩu thường gồm nhiều sản phẩm nên chi phí lên tới hàng chục triệu đồng/ lô hàng.

Theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí mới về kiểm dịch thú y rất cao và chênh lệch lớn so với mức phí cũ; ảnh hưởng nhiều tới chi phí của doanh nghiệp. Ví dụ, trong năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của một DN trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 300 triệu/tháng thì nay đã tăng gần 700 triệu đồng/tháng do áp dụng theo mức phí mới này.

“Việc thực hiện quản lý chuyên ngành không dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, không cho phép kế thừa kết quả đã kiểm tra bởi các DN khác (với cùng model mặt hàng nhập khẩu), không chủ động thừa nhận các thương hiệu nổi tiếng đã gây lãng phí lớn cho DN và xã hội.

Tình trạng chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn một phần do quy định về phí, lệ phí kiểm dịch, kiểm định, thẩm định,… trong 4 Thông tư 230/2016/TT-BTC, 279/2016/TT-BTC, 285/2016/TT-BTC và 286/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, một lô hàng rời, hàng lỏng, đồng nhất, cùng xuất xứ, cùng người bán, chở trên cùng một chuyến tàu, của nhiều DN nhập khẩu, nhưng từng người nhập khẩu phải làm đầy đủ các bước thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

“Với cách làm này, chưa kể sự rườm rà không cần thiết về thủ tục, giấy tờ, riêng phí kiểm tra chuyên ngành của một tàu hàng lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Ví dụ, kiểm dịch thực vật tại cảng Cái Lân thực hiện lấy mẫu theo tàu, kết quả áp dụng cho cả tàu hàng, nhưng phí lại thu theo từng chủ hàng. Điều này là bất hợp lý và không phù hợp cam kết tại các FTA (phí ở mức tương xứng với dịch vụ đã cung cấp)”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Một nội dung, 10 bộ quản lý

Thực tế cho thấy, phạm vi mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành quá rộng và có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi đó, việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa các Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Y tế, Bộ đội Biên phòng và Hải quan,...) trên các lĩnh vực vẫn chưa được cải thiện (ngoại trừ những thay đổi tích cực trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 38).

Ví dụ, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động thuộc quản lý của 10 Bộ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.

Theo phản ánh của DN, để nhập khẩu 1 chiếc điều khiển cần trục xe nâng (1,2kg) phải làm thủ tục 8 lần tại nhiều bộ phận khác nhau của 2 Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong lĩnh vực NN&PTNT, mặt hàng thức ăn chăn nuôi/nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nhiều trường hợp cùng bị kiểm tra tại các cơ quan thú y, kiểm dịch thực vật, Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản...

Bên cạnh đó, nhiều DN phản ánh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành tại Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) rất khó khăn, phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí. Theo phản ánh của DN thì Cục Chăn nuôi chỉ có 1 cán bộ phụ trách toàn bộ các công việc cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng hoá cho các DN trên cả nước nên thời gian thực hiện nhanh hay chậm, dễ hay khó hoàn toàn phụ thuộc vào cán bộ này.

Tình trạng này tương tự như việc cấp văn bản đồng ý kiểm dịch tại Cục Thú y. Trong đó, Cơ quan kiểm dịch yêu cầu nhất thiết phải có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu hoặc có giấy này nhưng cơ quan kiểm dịch nghi ngờ, tiến hành xác minh xong mới được đăng ký kiểm dịch gây khó khăn, tăng thời gian, chi phí, nhiều trường hợp gây thiệt hại cho DN do hàng hoá bị hư hỏng. Một DN nhập khẩu mặt hàng gỗ cho biết, mỗi năm DN phải chi phí hàng chục tỷ đồng (có tháng tới 2,5 tỷ) tiền lưu kho bãi vì việc yêu cầu này.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN. Số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhiều. Cơ quan hải quan thống kê (đến tháng 4-2017) có 414 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Nếu tính thêm số văn bản ban hành sau tháng 4-2017 thì số lượng văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành khoảng 430 văn bản. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm (ở mức 30-35%), trong khi mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra là giảm xuống còn 15% đến 2017.

Với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, kiểm tra chất lượng tại Cục Chăn nuôi kéo dài tới 14 ngày; tại Tổng cục Thuỷ sản nhanh nhất là 3 tuần. Thời gian đăng ký dán nhãn năng lượng tại Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thường khoảng 3 tuần.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ KH&ĐT kiến nghị các Bộ khẩn trương thực hiện rà soát, kiến nghị cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Hoàn thành giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% xuống còn 15% trong quý II/2018.

PV
.
.
.