Dệt may cần sự liên kết để giữ vững phát triển

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:49
Mặc dù có những đóng góp lớn trong kinh tế chung của cả nước, nhưng theo nhận định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành dệt may còn tồn tại nhiều vấn đề.

Theo kế hoạch, năm 2018 xuất khẩu ngành dệt may đạt kim ngạch 33,5 tỷ USD (năm 2017 xuất khẩu đạt 31 tỷ USD). Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là con số ấn tượng về lượng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả về chất, các doanh nghiệp (DN) trong ngành còn phải cải thiện rất nhiều mặt...

Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua với bức phá khá ngoạn mục. 

Cụ thể, năm 2000 Việt Nam xuất khẩu được 1 tỷ USD, trong khi Thái Lan xuất khẩu 5 tỷ USD, Indonesia xuất khẩu 7 tỷ USD. Thế nhưng, sau 17 năm kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt trội, năm 2017 Việt Nam xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, trong khi đó Thái Lan chỉ dừng lại mức 10 tỷ USD và Indonesia cũng chỉ cán mốc 15 tỷ USD. 

Thực tế cho thấy, ngành dệt may Việt Nam đã phát triển khá hiệu quả. Trung bình hằng năm, mức tăng trưởng của ngành dệt may đạt 18%.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may trong quý I/2018 đạt gần 8 tỷ USD (tăng 13,58% so với cùng kỳ 2017), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây. 

Một trong những yếu tố tạo động lực cho sự tăng trưởng của xuất khẩu dệt may trong quý I/2018 là Hiệp định CPTPP được ký kết đã tạo động lực mạnh mẽ cho các DN trong nước cũng như các DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dệt may.

Để ngành dệt may phát triển bền vững, cần phải có sự liên kết.

Mặc dù có những đóng góp lớn trong kinh tế chung của cả nước, nhưng theo nhận định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành dệt may còn tồn tại nhiều vấn đề. Đơn cử, giá trị gia tăng của ngành chỉ ở mức từ 20 – 60%.

Theo các chuyên gia trong ngành, nhược điểm của các DN dệt may Việt Nam chính là khó hợp tác, không chia sẻ, tốc độ hoàn thành đơn hàng chậm. 

Chẳng hạn, với những đơn hàng cần gấp trong 1 - 2 tháng thì gần như các DN khó đáp ứng được và thường chỉ thực hiện tốt những đơn hàng với thời gian dài từ khoảng 6 tháng trở lên; Ngành dệt may của Việt Nam hiện nay chủ yếu là gia công, trong khi chi phí gia công chiếm 10-20% giá trị sản phẩm nên khó có thể ổn định lâu dài được. Ngoài tồn tại nêu trên, ngành dệt may đang gặp khó khăn khi chi phí nhân công tăng, năng suất thấp… 

Chính vì vậy, một số nhà đầu tư thay vì mua hàng của Việt Nam đã chuyển sang các thị trường khác như Campuchia, Myanmar... Các chuyên gia cho rằng, muốn phát triển bền vững và tiếp tục giữ vị trí cao thế giới về xuất khẩu mặt hàng dệt may, đòi hỏi ngành này phải thay đổi, yêu cầu đặt ra hiện nay là các DN trong ngành cần có sự liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may. 

Để thực hiện việc này, theo ông Lê Quốc Ân, trong thời gian tới ngành dệt may phải thực hiện cả chuỗi liên kết ngang lẫn liên kết dọc. Chuỗi liên kết ngang sẽ tập trung liên kết những nguồn lực giống nhau để nhận đơn hàng lớn, cùng nhau thương thảo giảm bớt chi phí nguyên liệu, vận chuyển. 

Còn liên kết dọc thì yêu cầu chỉ cần liên kết một vài giai đoạn về nguyên liệu, thiết kế, sản xuất, vận tải, bán hàng. 

Chuỗi này làm nên sức mạnh chung cho toàn ngành. Ông Ân khẳng định, DN ngành dệt may Việt Nam yếu về liên kết chuỗi, trong khi các DN may của nước ngoài chiếm 2/3 chuỗi giá trị. Các DN nước ngoài thành công là nhờ có chuỗi liên kết trong ngành. Nghĩa là, công ty mẹ ở Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong... sau đó lập các công ty con ở các nước.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch, đến năm 2035 ngành may mặc vẫn xác định là ngành kinh tế chủ lực, kể cả cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, để ngành dệt may giữ vững vị trí xuất khẩu, chỉ có liên kết để hoàn thiện chuỗi giá trị mới nâng tầm được ngành dệt may. 

Vì thế, thay vì chỉ tập trung gia công như hiện nay, DN phải cố gắng phát triển các khâu khác như nguyên phụ liệu, thiết kế, bán hàng. Đây là những khâu có giá trị gia tăng cao nhất trong ngành. 

Song song với yêu cầu đặt ra cho DN dệt may, TS Trần Du Lịch cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần hỗ trợ ngành này nhiều hơn, phải có đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác.

T.Hà –T.Giang
.
.
.