Đà Nẵng sẽ có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay 170 triệu USD

Thứ Tư, 27/02/2019, 18:25
Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) của Mỹ - nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới sẽ đầu tư 170 triệu USD vào khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce.

Ngày 27-2, thông tin từ  UBND thành phố Đà Nẵng: Trước thềm Tọa đàm mùa Xuân 2019, đã có hàng loạt các dự án được thành phố chấp thuận đầu tư với giá trị đầu tư lớn cho sản xuất công nghiệp.

 Trong đó, dự án sản xuất linh kiện máy bay của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ) với tổng vốn 170 triệu USD đã được lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư và dự kiến sẽ trao Giấy chứng nhận đầu tư tại “Tọa đàm mùa Xuân 2019” vào ngày 1-3-2019.

(ảnh minh họa): 

Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) của Mỹ - nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới sẽ đầu tư 170 triệu USD vào khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng để sản xuất thân máy bay và động cơ Rolls Royce. 

Được biết, tập đoàn UAC là nhà sản xuất linh kiện máy bay hàng đầu thế giới cho các công ty hàng không như Boeing, Airbus, Embraer, Bombardier và các chuỗi cung ứng liên quan của họ. UAC đã có lịch sử 51 năm hình thành và hoạt động, thường cung cấp hợp đồng dài hạn cho: Boeing 787, 777, 767 và 737; Airbus từ A350, A330, A320, A220 và ATR; Embraer E195; và máy bay Bombardier CRJ. Đồng thời đây cũng là một trong ba Tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp nhôm đặc chủng cho sản xuất máy bay.

Ban đầu, UAC đầu tư tại Việt Nam sẽ sản xuất và cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các máy bay Boeing Boeing 787, 777 và 737; và động cơ cho Rolls Royce tại Đà Nẵng. UAC Việt Nam sẽ sản xuất hơn 4000 bộ phận khác nhau (trong khoảng 5 triệu chi tiết máy bay các loại) và sẽ được xuất khẩu sang Bắc Mỹ, EU và Malaysia.

 Dự kiến UAC sẽ xuất khẩu 100% sản phẩm được sản xuất tại Đà Nẵng sang thị trường hàng không vũ trụ trên thế giới. Theo đó, UAC đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 25 triệu USD vào năm 2021, 82 triệu USD vào năm 2022 và tạo ra hơn 180 triệu USD xuất khẩu hàng năm vào năm 2026”.

Đặc biệt, UAC sẽ tuyển dụng từ 650 đến 1.200 nhân sự tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trong đó sẽ cần số lượng lớn các kỹ sư để hỗ trợ sản xuất của UAC, đặc biệt là các nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực cơ khí, điện, tự động hóa, chất lượng, công nghiệp, CAD/CAM. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, UAC cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật và dạy nghề trên địa bàn Đà Nẵng cũng như các địa phương trong khu vực để đào tạo nhân viên có tay nghề cao, cam kết chất lượng theo yêu cầu của ngành hàng không vũ trụ.


Hoài Thu
.
.
.