Cơ hội mới cho kinh tế tư nhân phát triển

Thứ Sáu, 12/05/2017, 07:53
Sau bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tất cả các công ty, DN thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân đều bày tỏ sự vui mừng và mong muốn ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để phát triển.


Hội nghị Trung ương 5 khóa XII vừa kết thúc ngày 10-5 đã khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm; phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước; phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phong trào khởi nghiệp. 

Với việc Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục khẳng định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách đã mở ra cơ hội phát triển mới cho kinh tế tư nhân. Vấn đề đặt ra là sắp tới các doanh nghiệp tư nhân sẽ làm gì để phát huy hết tiềm năng và cơ hội? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp tư nhân xung quanh vấn đề này

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC: Quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhân phải là quan hệ đối tác, có hỗ trợ và tương tác

Hơn 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã chú trọng tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã được cổ phần hóa, niêm yết trên sàn, tạo sân chơi bình đẳng trên thị trường. Cùng với đó là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp tư nhân (DNTN) cũng như xuất hiện các tỷ phú đô la tự thân, góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay trở nên năng động và sôi nổi hơn.

Bà Hương Trần Kiều Dung.

Tuy nhiên, để tạo đà cho khu vực tư nhân vươn lên thành động lực mới cho tăng trưởng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn tiến trình cải cách, đặc biệt là trong bộ máy điều hành của cơ quan quản lý các cấp, bỏ cơ chế xin cho. Quan hệ giữa chính quyền và DNTN cần phải được nhìn nhận như là “quan hệ đối tác”, có sự hỗ trợ và tương tác với nhau.

Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ về vốn, khoa học công nghệ; xây dựng môi trường thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho khu vực tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường và trở thành một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế.

Theo tôi, DNTN cần đặt mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, thông qua đổi mới tư duy quản trị, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống, kiểm soát tài chính và hạn chế tối đa các rủi ro về pháp lý có thể xảy ra.

Với gần 5.000 nhân sự trong tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, hàng năm chúng tôi đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo, tọa đàm, hội thảo quy mô đa dạng từ quản lý cấp cao đến các cấp cơ sở, đồng thời tiến hành thực hiện công tác luân chuyển, quy hoạch đào tạo cán bộ nguồn nhằm xây dựng đội ngũ kế cận cho từng giai đoạn. Điều này giúp phát triển và kiện toàn bộ máy nhân sự chất lượng cao, tối ưu lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn trên tất cả các lĩnh vực.

Là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng, chúng tôi mong muốn chính quyền cần thực sự cởi mở và chủ động trong việc xúc tiến đầu tư để mời gọi các DN có năng lực về tài chính và triển khai dự án về đầu tư trên địa phương. Chính sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý, tuyên truyền vận động người dân… sẽ tạo niềm tin, quyết tâm cho các DN, nhà đầu tư khi triển khai dự án trên địa bàn.

Thực tế, khi Tập đoàn FLC đầu tư vào các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bình Định…, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất tích cực, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các cấp chính quyền, ban ngành, giúp chúng tôi triển khai nhanh chóng nhiều dự án quy mô lớn tại đây. Tuy dưới cấp cơ sở lại chưa thực sự thông suốt, vẫn còn gây khó dễ cho DN và điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của địa phương.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Chủ tịch HĐQT HALCOM:  “Thượng tôn pháp luật” cần được đề cao và nghiêm túc thực hiện

Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế nhanh chóng, sâu rộng; đồng thời quyết tâm chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Chính phủ và nhân dân đang rất cao, chúng ta thấy rằng, đây là thời điểm phù hợp để xây dựng và thực hiện các chính sách về công khai, minh bạch, xét trên khía cạnh vĩ mô tầm quốc gia và đưa vào thực tiễn hoạt động các chương trình tuân thủ, xét trên khía cạnh vi mô là các doanh nghiệp. Làm được điều này, nghĩa là ta đã triển khai đồng bộ từ Nghị quyết của Đảng đến quyết tâm của Chính phủ và đưa được các chủ trương, quyết sách lớn ấy vào thực tế đời sống. Đó cũng là cách làm lành mạnh đời sống kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Quang Huân.

Để làm được như vậy thì yếu tố “Thượng tôn pháp luật” cần được đề cao và nghiêm túc thực hiện. Cần có một bộ máy tư pháp và hành pháp trong sạch và minh bạch. Các quyết sách phải được thực thi một cách nghiêm minh, nhất quán từ trên xuống dưới mà không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân nào, dù là nhân viên hay lãnh đạo. Ngoài ra, cần có cơ chế kiểm soát nội bộ và vận hành hiệu quả để ngăn chặn được các hành vi tham nhũng, lãng phí ngay từ bên trong mà không cần phải hô hào hay hô khẩu hiệu suông nữa.

Quá trình vận động và chuyển biến toàn cầu cho thấy, yếu tố công khai, minh bạch là điều kiện cơ bản mang lại sự phát triển cho một đất nước; công khai, minh bạch cũng là giải pháp căn bản để phòng, chống tham nhũng, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Ông Đào Huy Giám- Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF): Nhà nước nên tăng cường cơ chế phản biện xã hội, đối thoại xây dựng chính sách

Hiện các giới, các ngành đều thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân và đáng mừng là các cơ quan đề xuất chính sách đều đi đến thống nhất cần nâng cao năng lực cho thành phần kinh tế tư nhân. Phải cùng nhau tạo ra cơ chế phát triển ngày càng tốt hơn, minh bạch hơn giúp cho nguồn lực của kinh tế tư nhân đạt được sự sáng tạo hơn nữa. Nhà nước nên tăng cường cơ chế phản biện xã hội, đối thoại xây dựng chính sách và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính và thực thi chính sách.

Ông Đào Huy Giám.

Trải qua 15 năm, cái được đầu tiên đó là kinh tế tư nhân học được cách quản lý của thời đại mới. Hiện đang là cuộc cách mạng 4.0 - cuộc cách mạng của kinh tế trí thức, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, vật lý mới trong giai đoạn phát triển mới. Vì vậy, việc tạo nên động lực phát triển, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng lên một bước mới là một đòi hỏi trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, trong thời gian tới, kinh tế tư nhân sẽ trở thành lực lượng quyết định chất lượng và quy mô phát triển của cả một nền kinh tế.

Sau bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tất cả các công ty, DN thuộc lĩnh vực kinh tế tư nhân đều bày tỏ sự vui mừng và mong muốn ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa để phát triển.

Là một DN hoạt động có thâm niên trong lĩnh vực cho thuê kho bãi công nghiệp và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Thiên Đức STV, Đồng Nai cho biết, từ hôm giờ theo dõi kỹ Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ông cảm thấy rất vui, tinh thần phấn chấn hơn.

Nói về hoạt động của DN, ông chia sẻ, lúc khởi nghiệp khó khăn lớn nhất chính là việc thuê đất đai để tạo mặt bằng kinh doanh. Vì lúc đó vốn không có, chỉ dựa vào mỗi nội lực gia đình mà muốn có đủ diện tích đất để kinh doanh thì không đủ tiền để mua, còn nếu như thuê thì cũng khó khăn vì tìm được địa điểm đã khó, mà thỏa thuận, thương lượng được giá cả càng khó khăn hơn.

Qua khoảng thời gian khó khăn về mặt bằng là khó khăn về vốn để đầu tư vào trang thiết bị công nghệ cao phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, kinh doanh. Khó khăn chất chồng khó khăn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà nhiều DNTN không thể trụ vững. Và ông cũng bày tỏ mong muốn được quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện được vay thêm vốn để đầu tư cho sản xuất.

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Trang Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TMDV Hoàng Hải, TP Hồ Chí Minh cho biết, với công ty của chị khó khăn lớn nhất đó chính là thiếu vốn kinh doanh. “Các DNTN đa phần là vốn của gia đình, người thân, bạn bè nên khó mà có thể có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Còn vay vốn ngân hàng thì lại rất khó đáp ứng đủ các điều kiện để vay vốn, nhất là vay vốn ưu đãi và vốn trung, dài hạn tại ngân hàng thương mại nhà nước”. Chị cũng bày tỏ mong muốn là Đảng, Nhà nước xem xét lại làm sao để các DNTN có thể tiếp cận được nhiều nguồn vay ưu đãi mà thủ tục không quá phức tạp, rườm rà.

Hoàng Phạm

Nguyễn Thiêm - Lưu Hiệp (thực hiện)
.
.
.