Chưa thống nhất chính sách đối với giải quyết lao động dôi dư sau cổ phần hóa
- Hơn 200.000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp
- Nâng cao chất lượng đào tạo, giảm tình trạng cử nhân thất nghiệp
- Lại báo động về cử nhân thất nghiệp
Theo báo cáo của 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 21 Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước (chưa có báo cáo của Vinashin) thì tính từ ngày 1-1-2011 đến ngày 31-12-2015, cả nước có khoảng 147 doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại (trong đó có 130 DN thực hiện cổ phần hóa, 1 DN thực hiện giao cho tập thể người lao động, 1 DN thực hiện bán, 7 DN thực hiện giải thể, 8 DN chuyển thành công ty TNHH một thành viên) với số lao động đủ tuổi nghỉ hưu và không bố trí việc làm tại công ty sau khi sắp xếp lại là 6.695 người (chiếm 4,42% tổng số lao động của các công ty thực hiện sắp xếp lại), trong đó 153 người đủ điều kiện nghỉ hưu và 6.542 người không bố trí được việc làm tại công ty thực hiện sắp xếp lại.
Giai đoạn 2011 – 2015, số lao động được giải quyết chính sách lao động dôi dư theo Nghị định 91/2010 là 2.771 người với tổng số tiền là 165,137 tỷ đồng, bình quân gần 60 triệu đồng/người, trong đó có 1.236 người nghỉ hưu trước tuổi (56,02 triệu đồng/người), 1 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối đa 6 tháng; 1.534 người chấm dứt hợp đồng lao động (62,51 triệu đồng/người); 3.771 người không đủ điều kiện giải quyết chính sách lao động dôi dư và phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc theo quy định của Bộ luật Lao động (36,92 triệu đồng/người); 298 người hưởng trợ cấp thôi việc (27,97 triệu đồng/người); 3.473 người hưởng trợ cấp mất việc làm (37,69 triệu đồng/người).
Bên cạnh đó, hiện mới có 3 tỉnh Thanh Hóa, Lạng Sơn và Khánh Hòa gửi văn bản giải quyết chính sách với người lao động dôi dư theo Nghị định 63/2015 với 5 DN cổ phần hóa, 123 lao động dôi dư với kinh phí 10,271 tỷ đồng. Đối với các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp lại, tính đến tháng 6-2016 có 5.100 lao động tại 196 công ty bị thôi việc, mất việc làm; trong đó có khoảng 3.400 người hưởng chế độ với lao động dôi dư tại Nghị định 63 và 1.600 người hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Ngoài việc chưa thống nhất về chính sách, việc giải quyết lao động dôi dư hiện nay được Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đánh giá là chưa gắn với trách nhiệm của người sử dụng lao động, dẫn đến một số DN sau khi sắp xếp lại, giải quyết chính sách vẫn tiếp tục tuyển lao động vượt nhu cầu, không đảm bảo việc làm, vì vậy khi thực hiện sắp xếp lại tiếp tục phải giải quyết lao động dôi dư, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, tăng chi phí của DN; thời gian thực hiện từ khi lập phương án sử dụng lao động tại thời điểm công bố giá trị DN đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án rất lâu, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động dôi dư.