Chưa lễ Tết, ATM đã trở chứng

Thứ Tư, 30/12/2020, 17:10
Phí không giảm, thậm chí còn tăng và vẫn thu đều đều, nhưng máy ATM thì báo lỗi là chuyện… thường ngày ở huyện. Đặc biệt, sắp đến những dịp lễ, Tết, câu chuyện lỗi ATM lại trở nên thường xuyên hơn, gây nhiều bức xúc hơn, trong khi ngân hàng vẫn hưởng lợi, còn người tiêu dùng thì chịu thiệt, mà chẳng biết kêu ai.


“Dính” lỗi ATM: tiền mất, bực mang

Có việc cần tiếp gấp, chiều ngày 30/12, anh Nguyễn Vinh Hoàng đến rút tiền ở điểm rút tiền tự động ngay chi nhanh NH BIDV Lương Định Của (Hà Nội). Sau khi thực hiện giao dịch, đến lệnh rút tiền thì nút bấm bị lỗi, không hoạt động dù gõ rất nhiều lần. Gõ thêm vài lần nữa, máy ATM liền trả thẻ và tại khe tiền nhả ra 10 nghìn đồng, nhưng nằm rất sâu không thể thò tay vào lấy được. Lúc này, tin nhắn điện thoại báo đã trừ 11.100 đồng, bao gồm 10 nghìn tiền gốc và 1.100 đồng tiền phí. 

Tiếp tục đưa thẻ vào giao dịch, anh Hoàng liên tục nhận được dòng chữ báo máy tạm ngừng giao dịch. Lúc này, người bảo vệ ngân hàng đứng gần đó tiến lại cho biết máy hiện đang bị lỗi và yêu cầu anh Hoàng vào ngân hàng rút tiền hoặc tìm điểm ATM khác để thực hiện giao dịch. 

Trao đổi với một khách hàng đứng gần đấy, vị khách này cho anh Hoàng biết chị vừa thực hiện giao dịch nhưng máy cũng báo lỗi, thay vì rút được 5 triệu, thì máy nhả 200 nghìn- và may mắn chị vẫn lấy được chứ không bị kẹt.

ATM lỗi gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Cũng là “nạn nhân” của máy ATM lỗi, chia sẻ với PV Báo CAND, chị Thanh Hoa- một khách hàng dùng thẻ kể do đặc thù việc phát lương thưởng của công ty nên năm nào chị cũng phải rút tiền dịp lễ, Tết và hầu như lần nào cũng “dính chưởng”. 

“Như lần vừa rồi, tôi dùng thẻ của VCB rút tiền ở cây ATM của một ngân hàng. Giao dịch thành công, tiền và phí đã được báo trừ trên tin nhắn nhưng cây ATM không nhả tiền. Liên hệ với ngân hàng thì phía VCB trả lời hệ thống đã bảo chuyển tiền thành công, trong khi bên ngân hàng kia cho rằng không phải lỗi từ phía họ. Bên nọ “đá” cho bên kia, tôi đứng giữa chạy hết chỗ này chỗ kia mà tiền vẫn mất hút. Sau, phải nhờ một người bạn có quen biết tác động, phía ngân hàng mới chịu mang tiền đến trả. Mệt mỏi, bức xúc và mất thời gian, mất cả cơ hội khi đang cần sử dụng tiền. Giờ, cứ nghĩ đến lễ, tết với ATM là thực sự sợ hãi, chỉ mong công ty trả lương thưởng bằng tiền mặt cho tiện”, chị Hoa chia sẻ.

Không phải chỉ mỗi ATM, theo phản ánh của chị Hà An- một khách hàng cho biết hưởng ứng chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chị đăng ký dịch vụ thanh toán qua VNPAY-QR ở cả 2 thẻ tín dụng của 2 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống tài chính hiện nay là VCB và BIDV. 

Do hay mua sắm, nên chị nhận được nhiều thông báo khuyến mãi giảm giá theo các mã. Tuy nhiên, rất nhiều lần, khi thanh toán qua mã QR, chị đều được báo là mã giảm giá bị lỗi hệ thống, không thể thực hiện được. Lần gần đây nhất là vào ngày chủ nhật 27/12, khi thanh toán qua VNPAY tại tại Aeon Mail Long Biên, chị được nhân viên cho biết hệ thống bị lỗi cả ngày, không khách hàng nào được sử dụng mã giảm giá, nên không được trừ tiền. 

“Tôi mua hàng không phải vì mã giảm giá, tuy nhiên, nếu ngân hàng đã chạy chương trình mã giảm giá để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thì phải thực hiện, không thể treo đầu dê bán thịt chó như thế. Nếu hệ thống bị lỗi, thì tại sao tiền vẫn thanh toán được mà lại không thể giảm? Sao chỉ lỗi mang lại lợi ích cho ngân hàng mà đổ thiệt hại cho khách hàng, trong khi phí thì thu đều đều? Liệu cứ chơi trò “khôn lỏi” như thế, thì làm sao khách hàng còn niềm tin vào ngân hàng? Vậy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt liệu bao giờ mới được thực hiện một cách nghiêm túc?”, chị Hà An bức xúc.

“Kỳ đà cản mũi” chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số

Tại buổi họp báo tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, trả lời câu hỏi của báo chí về đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ATM dịp lễ, Tết Dương lịch và Âm lịch sắp tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết chủ trương của NHNN là vẫn quán triệt các tổ chức cung ứng dịch vụ phải đảm bảo các tiêu chí để phục vụ khách hàng. NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị thuộc NHNN thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021. 

Theo đó, NHNN đề nghị các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh đảm bảo hoạt động của các hệ thống thanh toán, các dịch vụ thanh toán ổn định, an toàn và liên tục. 

Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán; giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt; hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ của khách hàng; xử lý kịp thời các yêu cầu tra soát, khiếu nại của khách hàng theo quy định…

Tuy nhiên, quy định đã có, và hầu như năm nào cũng có, nhưng dường như chuyện ATM lỗi vẫn muôn thuở. Điều đáng nói, việc này không những gây khó chịu, ức chế và thiệt hại cho khách hàng mà còn ảnh hưởng tới chủ trương lớn của Chính phủ là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp 4.0, câu chuyện chuyển đổi số đang được Chính phủ và các bộ ngành thực hiện ráo riết. Với đặc thù như ngành ngân hàng, chuyển đổi số gần như là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, với cách làm tùy tiện như một số ngân hàng thì sẽ rất khó đểtạo được niềm tin với người dân. Nếu không sớm khắc phục, đây sẽ là “kỳ đà cản mũi” công cuộc chuyển đổi số của NHNN.

Hà An
.
.
.