DN chây ì không giảm cước vận tải: "Nhờn thuốc" hay quản lý kém?

Thứ Ba, 01/09/2015, 08:20
Xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải vẫn chưa giảm - điệp khúc quen thuộc này lại một lần nữa gây bức xúc dư luận khi giá xăng dầu giảm 4 lần liên tiếp nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động.

Xăng dầu giảm, doanh nghiệp vận tải “ăn dày”

Là mặt hàng “đầu vào của đầu vào”, giá xăng dầu liên tục giảm là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế, có tác động đến túi tiền của từng người dân. Đặc biệt, mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu là vận tải- chi phí cấu thành quan trọng trong rổ hàng hóa chung của nền kinh tế. 

Làm một phép tính đơn giản: vào thời điểm 6/1/2015, khi giá xăng giảm về mốc 17.570 đồng/lít, lúc đó, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng thanh tra, giá cước vận tải taxi được đưa về phổ biến ở mức 9.000 đồng/km. Đến tháng 5/2015, khi giá xăng tăng lên mức 20.430 đồng/lít, các hãng taxi đồng loạt tăng giá cước lên mức thấp nhất cũng là 10.000 đồng/km. 

Đến thời điểm này, sau 4 lần giảm giá liên tục, xăng đã giảm được 1.900 đồng/lít, tương đương 9,25%, nhưng giá cước taxi thì vẫn giữ nguyên. Riêng với giá cước vận tải đường dài, so với thời điểm tăng giá vào tháng 5, thì dầu diesel giảm được 2.460 đồng/lít, tương đương 15,5%. Còn nếu so với thời điểm giá dầu diezel vào tháng 1-2015 là 16.630 đồng/lít- khi giá cước vận tải bị ép giảm, qua các đợt tăng giảm, giá dầu diezel hiện tại đã giảm hơn 3.000 đồng/lít. Thế nhưng, mặc cho giá dầu giảm, các DN vận tải hành khách vẫn lặng thinh.

Theo tính toán, giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25-35% giá thành-chủ yếu là taxi; dầu chiếm khoảng 35-40% - chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa. 

Cụ thể hơn, khi giá xăng giảm 1.900 đồng/lít, thì mỗi xe taxi đang chạy sẽ bớt được khoảng 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Con số này nếu nhân với hàng chục nghìn chiếc xe taxi đang hoạt động, mỗi tháng, số tiền tiết kiệm được là nhiều chục tỷ đồng. Số tiền này đương nhiên sẽ chui vào túi các DN và cá nhân vận tải, trong khi người tiêu dùng vẫn không được hưởng lợi gì. Bởi vậy, việc giá cước vận tải vẫn trơ lỳ không giảm giá đã khiến cho dư luận rất bức xúc. Thế nhưng, phía các DN vận tải vẫn đưa ra các lý do muôn thuở để không giảm giá là vì trước đó, khi giá xăng tăng cao, cước taxi không tăng, nên đến bây giờ, khi giá xăng giảm, thì cước taxi vẫn chưa thể giảm. 

Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chây ì không giảm giá cước.

Trong khi đó, một số hãng taxi thì lấy lý do cho rằng việc cài lại đồng hồ rất “phức tạp” và “tốn kém”, nên các DN này vẫn đang cân nhắc và "chưa tính tới phương án giảm giá”. Đây cũng là cớ để nhiều DN vận tải đường dài khác “lờ” giảm giá. Lấy thêm lý do, các DN cho rằng việc tăng giảm giá xăng vẫn là một “ẩn số khó lường”. Nếu DN vận tải vội vàng điều chỉnh giảm giá cước, giá xăng đột ngột tăng trở lại thì DN sẽ lỗ, do đó họ vẫn cần phải nghe ngóng thị trường.

Từ phía cơ quan quản lý giá, quá “sốt ruột” về việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động, Bộ Tài chính đã phải gửi công văn tới Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. 

Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải, kể cả đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước. Văn bản gửi đi, đến thời điểm này cũng đã được gần 1 tuần, song thị trường thì chưa hề có biến chuyển. 

Thông tin tích cực nhất là đại diện Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết đã đề nghị các hiệp hội vận tải ôtô tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở GTVT và Sở Tài chính địa phương thực hiện có hiệu quả nhất văn bản đề nghị giảm giá cước của Bộ Tài chính. Hiệp hội cũng đang tuyên truyền, vận động các DN giảm giá cước vận tải.

Phạt nặng để ép giảm giá

Câu chuyện giá xăng dầu giảm, nhưng giá cước vận tải không chịu giảm thực ra không hề mới, vì nó đã tái diễn nhiều lần trước đây. Kịch bản cũng không có gì thay đổi: xăng dầu giảm, DN vận tải “ngó lơ”. 

Bộ Tài chính nhắc nhở, gửi công văn cho Bộ GTVT và các địa phương “ép” giảm giá. Lúc này, nhiều DN bị “chỉ mặt đặt tên” mới chịu giảm chống chế. Thanh tra ngành Giá vào cuộc. Một loạt cái tên bị “khui” ra. Song, kiểm tra nhiều, nhưng xử phạt cũng chẳng được bao nhiêu, nên như con bệnh “nhờn thuốc”, tình trạng chây ì của các DN lại tái diễn.

Đấy là chưa kể, trong những lần kiểm tra trước đây, thanh tra đã phát hiện bên cạnh tính “trơ lỳ” cao, nhiều DN vận tải còn “khôn vặt” khi tìm mọi cách lách, chạy kê khai giá. Đặc biệt là taxi có hiện tượng giảm giá đối phó để qua mặt cơ quan chức năng như chấp nhận giảm giá mở cửa, nhưng lại rút ngắn khoảng cách của km đầu tiên được tính tiền; hoặc giảm km đầu tiên, nhưng không giảm các km tiếp theo...

Đứng trước thực tế là nếu không tạo sức ép, thì sẽ còn DN tiếp tục chây ì, không giảm giá cước, làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, và người tiêu dùng chịu thiệt, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng đã đến lúc cần phải có một chế tài thực sự để xử phạt các DN làm ăn chụp giật, phi thị trường.

“Việc không giảm giá cước theo giá nhiên liệu cho thấy các DN vận tải không biết cảm thông, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Nó thể hiện sự kém cỏi trong văn hóa kinh doanh của chính DN vận tải, và vô hình trung, biến “cuộc chơi” trên thị trường thiếu sự công bằng. Hiện nay, kinh doanh vận tải là do các DN tự định giá, chứ không phải là giá theo quy định, bởi vậy, cần phải có các biện pháp “ép” DN vận tải thực hiện cuộc chơi công bằng hơn”, ông Long đề nghị.

Đồng quan điểm, Tổng thư ký Hội Thẩm định Giá Việt Nam- ông Nguyễn Tiến Thỏa tính toán khi giá xăng dầu giảm khoảng 10%, cước phải giảm khoảng 5%, tương ứng 700-900 đồng/km tùy loại phương tiện. Tuy nhiên theo ông Thỏa, nếu chỉ mong chờ DN tự động giảm giá rất khó. Do đó cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, phạt và truy thu các trường hợp chây ì không giảm giá cước.

Lệ Thúy
.
.
.