Cần coi trọng chính sách kết nối DN FDI với DN trong nước

Thứ Hai, 23/07/2018, 09:37
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “Đồng hành cùng với DN, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI một cách hiệu quả và dễ tiếp cận”.


Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, là tiền đề quan trọng mở rộng quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam nhận chuyển giao kỹ năng quản lý. 

Tuy nhiên, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế như chủ yếu gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp (DN) trong nước. Đây là những hạn chế lớn phải có giải pháp khắc phục khi tính đến thu hút FDI thế hệ mới.

Mối liên kết DN nội và DN FDI còn yếu

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt nhận định, Việt Nam là một câu chuyện thành công trong thu hút FDI. Việt Nam rất đáng tự hào về những thành tựu này, nhưng vẫn có nhiều cơ hội lớn nhằm tận dụng các lợi thế từ FDI và thắt chặt kết nối với các DN trong nước. 

Trong khi Việt Nam đã thu hút được khối lượng lớn FDI, thì các mối liên kết sản xuất của FDI với các nhà cung ứng trong nước cũng như các DN vừa và nhỏ của Việt Nam còn yếu. 

Vì thế, cần chuyển hướng chính sách chiến lược nhằm thu hút thêm FDI, trong đó, cần đưa ra những chính sách cụ thể nhằm tăng cường kết nối và hiệu ứng lan tỏa từ FDI. Các thành tố của các chính sách liên kết FDI.

Ông Kim Heung-soo, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, thực tế đại đa số các DN địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các DN FDI. Do đó, Chính phủ Việt Nam và các DN FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này. Bên cạnh đó, DN Hàn Quốc đang rất nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và nuôi dưỡng các DN vừa và nhỏ ngành chế tạo. Bản ghi nhớ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Việt Nam – Hàn Quốc vào tháng 3 năm nay cũng nhấn mạnh vào sự hợp tác trong lĩnh vực này.
Sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam vẫn chỉ gia công lắp ráp đơn thuần.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ, ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch VBF cho rằng, khi không có được nhà cung ứng là DN trong nước, nhiều công ty nước ngoài sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các DN trong nước ra khỏi các DN FDI. 

Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết yêu cầu phải có tỷ lệ đóng góp cao của nguồn lực địa phương, việc sản xuất sản phẩm ở địa phương phải có mức độ tham gia sâu hơn vào dây chuyền chứ không chỉ ở mức lắp ráp đơn thuần. 

Vì vậy, nếu như các DN địa phương có năng lực tốt hơn, DN nước ngoài sẽ rất vui mừng bởi việc sản xuất sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng nếu DN FDI không thể thu mua nguyên vật liệu tại chỗ do không đáp ứng yêu cầu chất lượng, không đủ tin cậy hoặc bị DN địa phương vi phạm hợp đồng, đó sẽ là một rắc rối nghiêm trọng.

Doanh nghiệp Việt phải tự vươn lên

Để liên kết với DN FDI cần xác định là DN Việt phải tự vươn lên. Trong đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là rất quan trọng. Không có người hiểu biết, có kỹ năng về công nghệ cao thì không thể tiếp thu công nghệ và tự tin liên kết. Thời gian tới, khá nhiều thách thức đã và đang chờ đợi DN nội trong công cuộc thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN FDI lớn.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho rằng, quan trọng là DN nội có đủ năng lực tham gia được vào chuỗi sản xuất của họ hay không, vì trong chuỗi sản xuất này, công nghệ quyết định chất lượng sản phẩm và quy mô xuất khẩu. Khi còn thiếu năng lực về kỹ thuật và công nghệ, về quản trị thì DN FDI không thể cho anh tham gia vào dây chuyền sản xuất của họ. 

DN FDI không bao giờ chuyển công nghệ cốt lõi của họ cho mình, nếu mình là đối tác yếu, không mang lại lợi ích cho họ. Và họ cũng chỉ có thể chuyển giao khi họ đã đứng chân vững chắc và có công nghệ mới để thay thế. Như vậy, không phải DN FDI không tiếp nhận mình, mà năng lực hạn chế của DN Việt, việc thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu trang thiết bị đủ mạnh để có thể sản xuất được sản phẩm hàm lượng công nghệ cao làm cho việc liên kết bị ảnh hưởng.

Nền tảng nhà cung cấp trong nước mạnh là một tài sản cạnh tranh trong xúc tiến đầu tư và là yếu tố quan trọng để duy trì đầu tư FDI cũng như cải thiện gia tăng giá trị trong nước. Để tăng cường liên kết từ đầu tư FDI, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo không nên sử dụng tỉ lệ nội địa hóa 100% làm mục tiêu của việc kết nối DN FDI ở Việt Nam hay chính sách nội địa hóa, mà thay vào đó một chính sách theo chuẩn thông lệ tốt.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “Đồng hành cùng với DN, Chính phủ phải có các biện pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN FDI một cách hiệu quả và dễ tiếp cận”.

Lưu Hiệp
.
.
.