Những cơ hội "vàng" cất cánh nền kinh tế

Thứ Ba, 31/01/2017, 09:50
Ngôi sao sáng, nền kinh tế VIP… là những mỹ từ mà nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính ưu ái dành cho nền kinh tế Việt Nam khi nhận định về triển vọng năm 2017.


Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, những tiền đề cho sự khởi sắc của nền kinh tế đã xuất hiện và ngày càng rõ nét. Cả 3 ưu thế: thiên thời, địa lợi, nhân hòa dường như đã hội đủ, đang mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế trước thềm năm mới.

Thành công từ Năm Quốc gia khởi nghiệp

Trải qua một năm đầy biến động và thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã khép lại năm 2016 với những thành tựu khả quan, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những kết quả đầu tiên.

Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,3%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đặc biệt, thu ngân sách tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Năm 2016, mặt bằng lãi suất giảm, dự trữ ngoại hối đạt khoảng 41 tỷ USD.

Về thương mại, trong năm 2016, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8%, xuất siêu 2-3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP (vốn FDI thực hiện đạt gần 15 tỷ USD).

An sinh xã hội được bảo đảm; chính trị, xã hội ổn định, và lần đầu tiên Việt Nam có hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập năm 2016. Như vậy, bình quân 1 tiếng đồng hồ có 12 doanh nghiệp ra đời.

Với những thành tựu này, đặc biệt thành công từ phong trào Năm Quốc gia khởi nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu – một tổ chức có thành viên tham gia từ trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bình chọn và trao giải Quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam.

"Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, mà Thủ tướng và Chính phủ đang là người thắp lửa. Năm 2015, giải này được trao cho Bộ trưởng KHCN của Hàn Quốc - một cường quốc về khởi nghiệp. Và năm 2016, giải thưởng này trao cho Chính phủ Việt Nam", ông Lộc tự hào.

Đây thực sự là tin vui dành cho những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và cả cộng đồng doanh nghiệp, của cả nền kinh tế nói chung. Quả thực, kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới trong nhiệm kỳ của mình, đó là “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2016 đã thể hiện luồng gió mới, với việc thực hiện nhất quán chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ.

Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2016 diễn ra vào tháng cuối cùng của năm, đã khẳng định một lần nữa chủ trương nhất quán này qua chủ đề: "Chính phủ kiến tạo và hành động - động lực mới cho phát triển”.

Quan điểm “xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp” được coi là nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Việt Nam sẽ có cơ hội giàu trước khi già

Năm 2017 sẽ là một năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính phủ mới của Mỹ thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Fed đã tăng lãi suất vào tháng 12-2016 và dự kiến tăng khoảng 2-3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao.

Ngoài ra, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá sẽ gây khó cho các ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít.

Trong khi đó, Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố hạn chế thương mại toàn cầu và tập trung vào nền kinh tế nội địa. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tập trung vào xuất khẩu qua thị trường Mỹ.

Chắn chắn nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động, vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động đầy bất ngờ trong năm 2017, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam kỳ vọng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một ngôi sao sáng trong khu vực.

Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới.

Trong khi khả năng Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác.

Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam do đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Trump sẽ áp dụng với châu Á, nhưng quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như Việt Nam, khi Mỹ chiếm tới 1/5 lượng xuất khẩu từ Việt Nam.

“Tuy nhiên, như tôi đã nói Việt Nam là một đất nước mở cửa với những hiệp định thương mại đã và đang ký với các đối tác. Việt Nam đã là thành viên của Khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Nghiên cứu chỉ ra trong thập kỷ tới, nếu AEC được quản lý và tận dụng được hết ưu thế, cộng đồng có thể đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7,1% từ nay tới năm 2025 và gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định RCEP mà vòng đàm phán thứ 15 vừa kết thúc tháng 10-2016.

Mặc dù phạm vi nhỏ hơn nhiều nếu so với TPP, Hiệp định RCEP kết nối ba thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, vẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại ở châu Á và kích thích đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới”, ông Hải lạc quan.

Từ phía Chính phủ, Thủ tướng cũng chỉ rõ những mặt khó của kinh tế Việt Nam. Đó là tăng trưởng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đặt trong bối cảnh bất ổn, khó lường của kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động mạnh đến sản xuất, thu hút vốn FDI và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.

Mặt khác, cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, trong khi đó năng lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa kể, trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến khu vực nông nghiệp…

Đồng tình với nhận định của Chính phủ, ông Hải cho rằng, mặc dù có những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực.

“Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.

Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, với mức tăng GDP bình quân đạt 6,5 - 7% giai đoạn 2016-2020”. (Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc)

Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, nếu chúng ta thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cơ hội này sẽ không kéo dài vì Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới.

Nhưng nếu chúng ta thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế (ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Chúng ta sẽ có cơ hội giàu trước khi già” - ông Hải nói.

Ông Glenn B. Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương Ngân hàng ANZ đã dự báo GDP 2017 của Việt Nam có thể tăng ở mức 7%, thậm chí 7,5%, và có thể cao hơn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc 1% trong năm này. Và, châu Á sẽ có 3 nền kinh tế VIP, dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực, gồm Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2017, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo triển vọng tăng trưởng của Việt Nam được đánh giá là tích cực trong trung hạn, mức tăng trưởng GDP dự kiến sẽ cải thiện lên mức 6,3% trong 2017 và 2018.
Lệ Thúy
.
.
.