Đau đầu với hàng ngàn container phế liệu tồn đọng ở cảng

Bài cuối: Cần ngăn chặn kẽ hở… nhập rác

Thứ Ba, 04/09/2018, 08:56
Ngày 20 – 6, Bộ TN-MT có văn bản về việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu tại các cảng biển của TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo về số lượng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 vào thời điểm đó cho thấy, lượng phế liệu các loại gồm nhựa, giấy, kim loại tồn đọng tại bãi lên đến 3.231 container. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn đọng trên được Hải quan cảng Cát Lái đổ lỗi do chính sách thương mại của các cường quốc kinh tế thế giới có nhiều thay đổi với diễn biến khó dự đoán. 

Trung Quốc đã thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế từ ngày 1-1-2018. Từ đó, một lượng lớn phế liệu từ các nước có nền kinh tế phát triển đổ vào các nước khác trong đó có Việt Nam. 

Cùng lúc, nhiều DN nhập khẩu nhập phế liệu nhưng chưa được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng đã về đến cảng Cát Lái nhưng chưa thể làm thủ tục nhập khẩu. 

Ngoài ra, do Thông tư số 41 ngày 9-9-2015 của Bộ TN - MT về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã quy định việc cấp giấy này do một trong hai đơn vị cấp là Bộ TN-MT và Sở TN-MT của các tỉnh, thành. 

Do có một số tỉnh, thành ủy quyền cho Phòng TN - MT thuộc Sở TN - MT cấp giấy xác nhận; trên giấy này lại có nhiều mặt hàng phế liệu, được cấp theo số lượng của từng mặt hàng đã gây khó cho hải quan trong việc theo dõi số lượng phế liệu thực nhập với số lượng thực tế còn trên giấy xác nhận.

Dù quy định về chế tài quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành trong lĩnh vực hải quan cùng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đã có từ khá lâu nhưng hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu trên cả nước vẫn có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, gây nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận… 

Ngày 17-7, Tổng cục Hải quan có văn bản hỏa tốc gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành nhằm hướng dẫn quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam. 

Tại văn bản này, Tổng cục Hải quan đã chỉ rõ, quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh đã phát hiện DN thực hiện một số phương thức, thủ đoạn trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu rác; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, khai mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục được phép nhập khẩu… 

Thậm chí, để đối phó với cơ quan Hải quan, DN nhập khẩu đã chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định cho việc hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để khi nhập khẩu không phải chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu nhập khẩu. Có DN nhập các lô hàng rác thải về, sau đó từ chối nhận hàng, để phế liệu tồn đọng tại cảng nhằm hưởng lợi từ các đối tượng ở nước ngoài qua việc sử dụng cảng biển Việt Nam làm nơi chứa rác thải. 

Để ngăn chặn hành vi gian lận trên, không để Việt Nam thành bãi rác thải của thế giới, gây tốn kém do phải chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải… 

Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành siết chặt quản lý nhập khẩu đối với phế liệu. Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Chi cục Hải quan khi tiếp nhận hồ sơ và xử lý để tàu biển nhập cảnh phải thực hiện phân tích hàng hóa khai báo trên manifest theo đúng quy định. 

Trong đó tập trung kiểm tra chặt chẽ các nội dung như khai báo trên manifest phải đầy đủ, cụ thể thông tin về tên, địa chỉ, mã số thuế của DN và số của giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường cũng như không chấp nhận để nhà nhập khẩu khai báo chung chung là phế liệu, mà phải khai rõ là phế liệu nhựa, phế liệu giấy… 

Trường hợp nhà nhập khẩu không khai báo đầy đủ thông tin trên, hải quan có quyền chưa tiếp nhận hồ sơ. Nếu đủ cơ sở xác định trên tàu biển đang chở chất thải, hải quan phải báo ngay cho hãng tàu và DN chủ cảng về việc không được phép dỡ hàng xuống cảng, yêu cầu tàu đó phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam…

Phế liệu và hàng cấm nhập bỏ bãi.

Để xử lý lượng phế liệu tồn đọng đang tập kết ở cảng Cát Lái, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 chỉ còn biết thực hiện theo hướng dẫn xử lý phế liệu tồn đọng tại cảng của Tổng cục Hải quan. 

Theo đó, Hải quan phụ trách cảng Cát Lái sẽ phối hợp cùng chủ cảng thực hiện phân loại phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất và những loại bị cấm nhập để báo cáo Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo diện hàng hóa vô chủ. 

Tuy vậy, việc này cũng không dễ dàng khi Hải quan cảng Cát Lái phải thực hiện trưng cầu giám định đối với các container phế liệu tồn đọng. Với số lượng vài ngàn container phế liệu tồn đọng lâu ngày, chi phí cho việc giám định sẽ không nhỏ nên còn phải chờ nguồn chi.

Cùng lúc, Hải quan cảng phát đi thông báo cảnh báo với các hãng tàu về tình trạng phế liệu đang tồn đọng tại cảng chưa được thông quan đang gia tăng và đề nghị hãng cung cấp số liệu container phế liệu mà hãng vận chuyển vào cảng để hải quan phối hợp với cảng cùng quản lý. 

Với những container đã tồn đọng quá 30 ngày, Hải quan cảng tiến hành mời nhà nhập khẩu trên manifest đến để yêu cầu làm thủ tục nhập khẩu hoặc tái xuất lô hàng nếu không đủ điều kiện nhập khẩu. 

Đến nay, mới chỉ có một số nhà nhập khẩu có giấy xác nhận đủ điều kiện đã đến làm việc và làm thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa. Những DN không đến làm việc, Hải quan cảng Cát Lái đang phải tiến hành xác minh địa chỉ để tiếp tục xác định chủ sở hữu với số container phế liệu còn tồn đọng.

Để xử lý lượng lớn phế liệu nhập về đang tồn đọng tại cảng, gần đây Đoàn Kiểm tra của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã làm việc với phía hải quan để tìm cách tháo gỡ. 

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN- MT tiến hành thanh tra toàn diện công tác cấp phép nhập khẩu phế liệu trong thời gian qua. 

Rà soát lại lượng giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch và không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu; chỉ xem xét cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu cho doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất… 

Chỉ đạo này của Chính phủ sẽ góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng DN ồ ạt nhập phế liệu về cảng thời gian tới. Nhưng để xử lý với hàng ngàn container phế liệu đang tồn đọng tại cảng hiện nay thì cả phía Bộ TN-MT lẫn cơ quan Hải quan và DN chủ cảng vẫn đang loay hoay chứ chưa có giải pháp khả thi để xử lý nhanh chóng, dứt điểm đối với số phế liệu “khủng” đang nằm tại cảng.

Về phía Bộ Giao thông Vận tải, cần sớm đưa ra yêu cầu các hãng tàu chỉ cho xếp hàng lên tàu đối với các DN có giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Như vậy sẽ buộc DN nhập khẩu có trách nhiệm với lô hàng của mình đến cùng, nếu không họ sẽ bị tước giấy phép nhập khẩu. Sẽ không còn những lô hàng tồn cảng do DN đứng tên nhận rồi bỏ hàng như trước đây.

Đối với Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, đại diện VPA cho rằng các cơ quan này cần yêu cầu các Chi cục Hải quan tỉnh, thành thống nhất thực hiện kiểm soát thông quan mặt hàng nhựa phế liệu theo Nghị định 38/2015 của Chính phủ và Thông tư 41/2015 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, bởi đây là văn bản quản lý chuyên ngành rất rõ ràng và chi tiết, không cần ban hành thêm các văn bản quản lý chồng chéo, làm tình trạng hàng tồn cảng thêm trầm trọng.

Đức Thắng - Thúy Hà
.
.
.