7 tháng đầu năm, BHXH Quảng Nam thu về hơn 2.700 tỷ đồng
Chiều 8/8, tại TP Hội An, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về kết quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 7 tháng đầu năm 2023.
Báo cáo kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong bối cảnh với những cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, BHXH tỉnh Quảng Nam phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN và đạt nhiều kết quả tích cực trên các mặt công tác.
Theo đó, hiện số người tham gia BHXH do BHXH tỉnh Quảng Nam quản lý 210.754 người, giảm 4.887 người so với cuối năm 2022. Số người tham gia tham gia BHXH bắt buộc là 190.975, đạt 92,87% kế hoạch giao, giảm 3.092 người so cuối năm 2022; có 19.779 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 74,42% kế hoạch giao, giảm 1.795 người so cuối năm 2022; có 177.158 người tham gia BHTN, đạt 92.40% kế hoạch giao, giảm 3.036 người so với cuối năm 2022 và có 1.473.435 người tham gia BHYT, tăng 13.833 người so cuối năm 2022, đạt 100.07% kế hoạch giao. Tỷ lệ bao phủ BHYT 96,55%.
Cũng trong 7 tháng năm 2023, BHXH tỉnh thu được 2.723,877 tỷ đồng, đạt 52,19% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao, tăng 9,21% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT đến hết tháng 7/2023 hơn 303 tỷ đồng, chiếm 5,81% số phải thu và tăng hơn 42 tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.
BHXH tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 35.653 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng; 123.335 lượt người hưởng chế độ BHXH ngắn hạn; BHXH một lần 11.383 người; 7.766 người hưởng trợ cấp BHTN, hỗ trợ học nghề 307 người. Tổng số chi BHXH, BHTN hơn 1.602 tỷ đồng.
Công tác chi chế độ BHXH, BHTN được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt, đến hết tháng 7/2023 có 55,82% người nhận các chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đạt 101,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2023; có 88,83% chi trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị đạt 104,5% kế hoạch BHXH Việt Nam giao năm 2023; người hưởng chế độ BHXH, BHTN hài lòng về cách thức tổ chức chi trả, thời gian, cơ sở vật chất và thái độ phục vụ.
Công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ từ Trạm Y tế tuyến xã đến bệnh viện tuyến Trung ương để phục vụ người bệnh BHYT; 100% Trạm y tế tuyến xã thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tiếp tục triển khai KCB BHYT đối với các cơ sở y tế ngoài công lập có đủ điều kiện KCB BHYT theo quy định đã tạo thuận lợi cho người dân đi KCB bằng thẻ BHYT.
Kết quả, trong 7 tháng đầu năm 2023, thanh toán chi phí KCB BHYT cho 2.050.448 lượt người, trong đó KCB ngoại trú 1.853.214 lượt người; KCB nội trú 197.234 lượt người với tổng số tiền chi KCB BHYT 960.145 triệu đồng, trong đó chi phí ngoại trú 358.290 triệu đồng, chi phí nội trú 601.855 triệu đồng. (số liệu được cập nhật từ Hệ thống giám sát BHYT ngày 4/8/2023).
BHXH tỉnh triển khai kịp thời các quy định về cải cách thủ tục hành chính theo quy định của BHXH Việt Nam. Đặc biệt để phục vụ người tham gia và thụ hưởng ngày càng tốt hơn, BHXH tỉnh đã tăng năng suất và cường độ lao động để giảm hơn 10% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định của BHXH Việt Nam, trong đó cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất rút ngắn từ 01 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày, cấp lại thẻ BHYT do điều chỉnh thông tin rút ngắn từ 03 ngày làm việc xuống còn 0,5 ngày.
Triển khai kịp thời các quy định về chuyển đổi số của BHXH Việt Nam, góp phần xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu Cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia về bảo hiểm; luôn sẵn sàng liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý chung và phục vụ doanh nghiệp, người dân. Ứng dụng hệ thống phần mềm liên thông để giải quyết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan BHXH. Triển khai giao dịch điện tử. Triển khai Hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người tham gia BHXH, BHYT với cơ quan BHXH. Tiếp tục triển khai giám định và thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông từ Trạm y tế xã. Đặc biệt từ năm 2020, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh triển khai cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số trên thiết bị di động; đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh hướng dẫn, cài đặt mới cho 341.065 trường hợp, đạt 78% tổng số người tham gia BHXH, BHYT, vượt 02% so Kế hoạch BHXH Việt Nam giao.
Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng đã triển khai đến các cơ sở y tế thực hiện cho người dân KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp thay thẻ BHYT giấy. Đến nay, toàn tỉnh đã có 267/298 (chiếm tỷ lệ 89,6% tổng cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh) thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD với 661.254 lượt tra cứu, trong đó có 451.921 lượt tra cứu thành công phục vụ KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp. Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và ứng dụng VssID giúp tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Đến nay 100% TTHC trong lĩnh vực BHXH, BHYT được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, doanh nghiệp, người dân có thể giao dịch với cơ quan BHXH toàn tỉnh 24/24 giờ, 7/7 ngày.
BHXH tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các nội dung, hình thức tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng tại cơ sở. Chủ động đổi mới hình thức truyền thông theo hướng linh hoạt để đáp ứng kịp thời với bối cảnh thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và truyền thông theo chiến dịch; các thông tin tuyên truyền được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm ngay từ đầu năm; kết hợp giữa các hình thức truyền thống với các hình thức truyền thông mới, truyền thông số, truyền thông đa phương tiện.
Phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương bám sát thực tế đời sống, tuyên truyền kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT với nội dung, hình thức tuyên truyền được thể hiện phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều chương trình được thực hiện một cách sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và người tham gia BHXH, BHYT như tổ chức các cuộc đối thoại chính sách trên sóng truyền hình, phát sóng Bài chòi tuyên truyền BHXH tự nguyện, xây dựng phóng sự, chuyên mục, bài viết... đã thu hút sự quan tâm của độc giả, củng cố niềm tin của người dân vào chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Chủ động phối kết hợp từ trực tuyến đến trực tiếp: tăng cường công tác truyền thông qua kênh báo hình, báo viết, truyền thanh cơ sở/tạp chí điện tử với số lượng, tần suất các tin, bài, phóng sự, chuyên mục tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN ngày một tăng; đẩy mạnh việc sản xuất, đăng tải, phát sóng các thể loại báo chí hiện đại về BHXH, BHYT như: Đối thoại trực tuyến, Infographic, Emagazine, Podcast, bản tin điện tử, góp phần tạo sức hút và lan tỏa các chính sách an sinh xã hội tới đông đảo độc giả.
Với những kết quả của công tác truyền thông đã góp phần giúp chính sách BHXH, BHYT thực sự lan tỏa tới mọi người dân, mọi vùng miền, đồng thời cũng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận và theo dõi thông tin; nâng cao ý thức chấp hành về pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.