5 dấu ấn nổi bật của Petrovietnam năm 2018

Thứ Tư, 06/02/2019, 07:34
Năm 2018 đã qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng trí tuệ và bản lĩnh của những người “đi tìm lửa” đã giúp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có nhận thức đúng và hành động quyết liệt. Điều đó được minh chứng bằng những thành quả đạt được trong tất cả các khâu sản xuất và các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có 5 dấu ấn nổi bật.


1 - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cơ bản hoàn thành công tác sắp xếp, tinh giản bộ máy Công ty mẹ; là doanh nghiệp đầu tiên hoàn thành hợp nhất các ban của Đảng với ban chuyên môn có nhiệm vụ tương đồng. 

Việc tái cơ cấu tổ chức và nhân sự của bộ máy điều hành Petrovietnam là đòi hỏi cấp thiết để củng cố, nâng cao hiệu quả quản lý phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, đáp ứng các mục tiêu phát triển của Petrovietnam trong các giai đoạn tiếp theo. Petrovietnam đã hoàn thiện và ban hành Cẩm nang văn hóa Dầu khí.

Người lao động PVD.

Cùng với đó, lần đầu tiên, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ lãnh đạo, quản lý Petrovietnam được quy định một cách cụ thể. Ngọn lửa Dầu khí được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác, tạo nên bản sắc của Văn hóa Dầu khí, là giá trị mà người dầu khí phải trân trọng, gìn giữ và phát triển.

2 - Năm 2018, Petrovietnam hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính. Hầu hết các chỉ tiêu năm 2018 mà Chính phủ giao Petrovietnam đều về đích trước kế hoạch.

Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5,0% kế hoạch năm. Sản xuất đạm ước tính đạt 1,63 triệu tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm. Tổng doanh thu toàn Petrovietnam ước đạt 626,8 nghìn tỉ đồng, vượt 96 nghìn tỉ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm, tang 25,9% so với năm 2017. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Petrovietnam ước đạt 121,3 nghìn tỉ đồng, vượt 47,5 nghìn tỉ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017.

3 - Cổ phần hóa thành công 3 doanh nghiệp: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Đây là 3 doanh nghiệp cổ phần hóa có quy mô vốn lớn của Petrovietnam với giá trị phần vốn góp của Nhà nước được kiểm toán xác định là 89.000 tỉ đồng.

Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ

Qua đợt IPO thành công 3 doanh nghiệp này, Petrovietnam đã thu về 16.500 tỉ đồng, thặng dư giá trị vốn Nhà nước là 7.500 tỉ đồng. Tính cả giá trị cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước, Petrovietnam đã thu về 18.600 tỉ đồng. Sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đều khởi sắc.

4 - Chính thức vận hành thương mại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Với tổng giá trị đầu tư lên tới 9 tỉ USD, công suất chế biến là 200 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn dầu thô/ năm), Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn một trong những dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí tại Việt Nam.

Giàn Xử lý khí trung tâm mỏ Hải Thạch Mộc Tinh.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành sẽ đáp ứng hơn 80% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu.

5 - Một số dự án yếu kém có những chuyển biến theo hướng tích cực. (Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ, Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước).

Giàn CNTT số 3 mỏ Bạch Hổ.

Sau hơn nửa năm vận hành trở lại, PVTEX đã đưa ra thị trường 2.200 tấn sản phẩm sợi DTY các loại với chất lượng tốt được khách hàng tin tưởng. Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất được khởi động, vận hành lại, hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt. Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã hoàn thành bảo dưỡng, sẵn sàng vận hành trở lại.

An An
.
.
.