36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kêu cứu
36 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp nhằm ổn định thị trường.
Bản kiến nghị do ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc, tỉnh Trà Vinh đại diện đứng đơn.
Đơn kiến nghị cho rằng, “việc điều hành của Liên bộ Công Thương - Tài chính thời gian qua có vấn đề nên gây ra bất lợi đến DN dẫn đến bất ổn thị trường”. Dẫn quy định tại Nghị định 95, đơn kiến nghị cho biết, “Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố”.
Tuy nhiên, do cách điều hành của Liên bộ nên xảy ra tình trạng chiết khấu âm. Do đó, các DN phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Cụ thể, DN phân phối thu thêm phí vận chuyển vào một hoá đơn khác theo bảng kê của các hoá đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng không (0đ), nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. “Chúng tôi có đủ chứng từ hoá đơn kèm theo chứng minh sự việc này”, đơn kiến nghị khẳng định.
Theo đơn kiến nghị, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực xăng dầu nhưng nếu làm theo tư duy luôn kìm hãm giá, muốn người dân mua hàng giá thấp hơn giá thị trường, “lấy đó làm thành tích quản lý” là không phù hợp với tình hình hiện nay.
Quan điểm điều hành này dẫn đến không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở, khiến doanh nghiệp bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra và thị trường nảy sinh bất ổn. Trên thực tế, một số doanh nghiệp xăng dầu đã đóng cửa trong thời gian qua.
Theo đó, đại diện các DN kiến nghị, khi xăng dầu chưa theo quy luật thị trường một cách hoàn toàn thì cần áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu như hiện nay. Bởi, việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự điều chỉnh mức chiết khấu và đây là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu bị thua thiệt và âm vốn.
Từ thực tế trên, các DN xăng dầu kiến nghị về phía Liên bộ điều hành xăng dầu cần lắng nghe phản ánh của DN, nhất là DN bán lẻ.
Đồng thời, Liên bộ Công Thương - Tài chính và Chính phủ nên có sự liên kết và có chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Sớm điều chỉnh phụ phí kinh doanh xăng dầu
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước ( Bộ Công Thương) cho biết, Liên bộ Bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất, sớm nhất có thể điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và tăng lợi nhuận của DN xăng dầu, từ đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ. Từ đó cũng tác động đến chiết khấu, nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ giúp tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu.