Kiểm toán chính sách ưu đãi đầu tư tại 4 tỉnh, thành lớn:

Nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả

Thứ Sáu, 17/11/2023, 23:08

Kiểm toán nhà nước đã thực hiện và hoàn thành cuộc kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án tại 4 tỉnh, thành lớn. Kết quả kiểm toán cho thấy các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án còn nhiều bất cập, hạn chế.

Triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện và hoàn thành cuộc kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận giai đoạn 2020 - 2022. Kết quả kiểm toán cho thấy các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án còn nhiều bất cập, hạn chế.

Kiểm toán chính sách ưu đãi đầu tư tại 4 tỉnh, thành lớn: Nhiều dự án đầu tư chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả -0
Kiểm toán Nhà nước thông tin công khai kết quả thực hiện kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với khu kinh tế, khu công nghiệp tại một số địa phương giai đoạn 2020-2022. (Ảnh minh họa)

Tại tỉnh Khánh Hòa, kết quả kiểm toán cho thấy việc cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch tại 2 dự án; 28 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm; 3 dự án chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư nhưng Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong chưa tính và thông báo số tiền thuê đất phải nộp.

Bên cạnh đó, Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý khu kinh tế Vân Phong với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố về quản lý nhà nước tại khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được ban hành từ năm 2017 bộc lộ một số bất cập nhưng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. UBND tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệ, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 của HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Đáng chú ý, 7 dự án đầu tư công tại khu kinh tế Vân Phong và 2 dự án tại cụm công nghiệp chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt dự án ban đầu, 5 dự án tại khu kinh tế Vân Phong, khu công nghiệp và 2 dự án tại cụm công nghiệp chậm quyết toán dự án hoàn thành nhiều năm. 4 dự án khu tái định cư chưa phát huy hiệu quả theo mục tiêu đầu tư dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Tại tỉnh Lâm Đồng, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra 2 cụm công nghiệp thành lập khi chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là chưa đủ điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP. 1 cụm công nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi thành lập cụm công nghiệp là không đúng theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất khu công nghiệp Lộc Sơn vượt 11,58 ha so với diện tích quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 23 dự án đầu tư trong khu công nghiệp được chấp thuận vị trí thực hiện dự án và cho thuê lại đất không phù hợp giữa ngành nghề sản xuất, kinh doanh với quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt. 12 dự án chưa đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. 3 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành công tác quyết toán dự án, hạng mục công trình hoàn thành. Tiếp nhận 6 doanh nghiệp đầu tư mới vào khu công nghiệp Phú Hội trong giai đoạn 2020 - 2022 khi chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung không đúng quy định.

Tại tỉnh Phú Yên, theo báo cáo kiểm toán, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp do Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên tham mưu UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 2159/2008/QĐ-UBND ngày 24/12/2008 không có trong quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND tỉnh cho phép Công ty TNHH CCIPY Việt Nam được ổn định mức giá thuê lại đất hàng năm và tiền sử dụng hạ tầng trong suốt thời gian thuê đất, không có trong quy định của pháp luật.

Tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Hòa Hiệp, khu công nghiệp An Phú, khu công nghiệp Đông bắc Sông Cầu chưa được quy định. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa điều chỉnh giá cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi hết thời hạn ổn định 5 năm và mức thu tiền sử dụng cơ sở hạ tầng sau khi hết thời hạn ổn định 3 năm theo quy định; quy định giá cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và thu tiền sử dụng cơ sở hạ tầng bằng đồng ngoại tệ (USD) không đúng quy định.

Tương tự, tại tỉnh Ninh Thuận, kiểm toán nhà nước cũng nêu rõ, Ban Quản lý các khu công nghiệp chưa trình UBND tỉnh ban hành quy định về mức giá cho thuê cơ sở hạ tầng tại Khu công nghiệp Thành Hải khi đến thời hạn phải điều chỉnh giá, chưa thực hiện nội dung kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; tiến độ góp vốn và thực hiện kiểm tra chưa đầy đủ các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư. Có khu công nghiệp chưa thực hiện đăng ký giá cho thuê cơ sở hạ tầng theo quy định và 1 khu công nghiệp chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1…

Trước các hạn chế nói trên, kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính: Tăng thu ngân sách nhà nước 2,222 tỷ đồng; Thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai quy định 617,6 triệu đồng; Giảm giá trị thanh toán 1,088 tỷ đồng; Thu hồi kinh phí thừa 1,090 tỷ đồng; Xử lý số liệu khác 2,080 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán nhà nước kiến nghị UBND 4 tỉnh thực hiện và chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Đặng Nhật
.
.
.