Cần chuẩn hóa vấn đề chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc
Để có thể bắt nhịp được với những chính sách thay đổi của Trung Quốc, doanh nghiệp trước hết cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.
Hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách “zero-COVID”, theo đó, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam, cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở; đồng thời ban hành nhiều thay đổi về quy định, chính sách để siết chặt hoạt động nhập khẩu. Để có thể bắt nhịp được với những chính sách thay đổi của Trung Quốc, doanh nghiệp trước hết cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch.
Mới đây, tại hội đàm giữa Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cùng cơ quan, ban ngành của tỉnh Lạng Sơn với thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc theo hình thức trực tuyến nhằm trao đổi, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa ngày 14/2, ông Vũ Hiểu Huy, Thị trưởng thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc đề nghị phía Việt Nam thực hiện tuyên truyền cho các doanh nghiệp, thương nhân về việc yêu cầu hàng khô, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nilon tránh để virus xâm nhập vào hàng hóa. Theo ông Vũ Hiểu Huy, đây là yêu cầu của cấp trên, cần triển khai trong thời gian tới do hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm.
Trước đó, tại Lệnh số 248 ngày 12/4/2021 về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và Lệnh số 249 ngày 14/4/2021 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, ban hành từ năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc siết chặt các quy định không chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam mà với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc. Thậm chí, Hoa Kỳ và các nước châu Âu đã phải nỗ lực đàm phán với Trung Quốc để gia hạn việc thực thi hai lệnh này thêm 18 tháng do những khó khăn, thách thức mà nó sẽ đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thống kê sơ bộ trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021 phía Trung Quốc đã trả về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 105,17 tấn hàng/4 xe cá cơm khô của Việt Nam vì lý do dư lượng Axit Photphoric, phốt phát vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn cho phép (ngày 10/11/2021 trả 1 xe và ngày 18/12 trả 3 xe). Như vậy, không chỉ liên quan đến dịch bệnh, mà chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng chưa thực sự ổn định, ảnh hưởng tới uy tín khi giao dịch với các đối tác; khi xuất sang Trung Quốc thường phải phân loại lại, có trường hợp do chất lượng không đảm bảo nên bị ép giá, thậm chí không thể xuất khẩu.
Thực tế, từ trước khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phầ#n nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn… Và dịch COVID-19 tiếp tục đặt ra những yêu cầu kép, chặt chẽ hơn về an toàn chất lượng và an toàn dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, nếu chúng ta không chú trọng hơn nữa vào công tác nắm bắt kịp thời, phổ biến những đòi hỏi từ nước bạn, để kiểm soát chặt chẽ yếu tố an toàn, cố gắng đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu về bao gói, vận chuyển, tiêu chuẩn hàng hóa,… thì câu chuyện hàng hóa bị trả về do phát hiện vấn đề về dịch bệnh hay chất lượng hoàn toàn có thể xảy ra một lần nữa. Đến thời điểm này, chỉ có 13/76 cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới phía Bắc đang hoạt động. Trong khi Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “zero-COVID”, nếu chúng ta không tuân thủ, 13 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động có thể bị yêu cầu đóng lại bất cứ lúc nào, chưa nói đến việc phục hồi hoạt động tại 63 cửa khẩu, lối mở còn lại. Xa hơn, tổ chức sản xuất gắn với tín hiệu thị trường vẫn là chìa khóa cuối cùng, kết hợp với nâng cao chất lượng hạ tầng thương mại khu vực cửa khẩu biên giới thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và địa phương.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành rất nhiều lần có thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xoá bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sẽ mang lại rất nhiều rủi ro, quan hệ thương mại không có tính bền vững lâu dài.
Về phía địa phương, vai trò của địa phương hết sức quan trọng vì địa phương là nơi sâu sát với nông dân, với các thương nhân ở trên địa bàn, khu vực. Chính các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La thời gian qua đã là bài học rất tốt trong việc tham gia trực tiếp hỗ trợ cho người nông dân. Ví dụ như, các địa phương tạo điều kiện cho thương nhân nước ngoài đến xem hàng, mua hàng, thực hiện các khâu đóng gói, lựa chọn trước ở trong lãnh thổ Việt Nam. Sau đó, khi hàng lên biên giới chỉ thông quan chứ không cần làm các thủ tục lựa chọn trở lại.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng hướng dẫn cho nông dân, thương lái đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về đóng gói, bao bì, nhãn mác, quy định về mã vạch, truy xuất nguồn gốc… để khi hàng lên đến cửa khẩu không rơi vào tình trạng vì bị lỗi nhỏ mà bị từ chối thông quan. Một khi chính quyền địa phương vào cuộc, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ thì sự hỗ trợ của các bộ, ngành sẽ thuận lợi hơn trong các mặt, ví dụ như kết nối giao thương, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin hoặc hướng dẫn cho người nông dân, thương lái những tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hoá. Các bộ, ngành không thể hỗ trợ được tất cả các nơi nếu vai trò của chính quyền địa phương chưa được phát huy.
“Quá trình chuyển đổi từ giao thương tiểu ngạch sang hoạt động xuất nhập khẩu chính ngạch cần được thúc đẩy nhanh hơn, nhưng song song với đó, khi mục tiêu chính ngạch hóa chưa đạt được, cần tăng cường công tác quản lý, tổ chức lại hoạt động buôn bán biên mậu và buôn bán phi mậu dịch, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch. Đồng thời, định hình lại chuỗi phân phối, tạo cơ chế và điều kiện thuận để hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, doanh nghiệp kinh doanh nắm bắt cơ hội thị trường, từ đó quay trở lại đặt hàng sản xuất, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm”, ông Hải nhấn mạnh.
Trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu, Việt Nam cần tổ chức rà soát, khảo sát, nghiên cứu số liệu và đưa ra những đánh giá, phân tích về: tác động của các quy định, chính sách này, tác động của dịch bệnh COVID-19, đến hoạt động thương mại qua biên giới giữa hai nước nói riêng và doanh nghiệp nói chung. Trên cơ sở đó, kịp thời ban hành những giải pháp, kế hoạch đúng đắn để tháo gỡ khó khăn, hạn chế tác động tiêu cực và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để giải quyết “bài toán” ùn tắc nông sản tại cửa khẩu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, về căn cơ, dài hạn cần mở rộng đầu tư hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics. Cần có những trung tâm logistics, cần có những kho lạnh, kho mát để bảo quản được các sản phẩm nông sản với thời gian lâu hơn. Ngoài ra, cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua.