Vì sao nhà nước Andorra nhỏ bé phát triển cực thịnh?

Thứ Ba, 10/07/2018, 22:22
Vương quốc Andorra, hay Công quốc Andorra là một quốc gia với diện tích vỏn vẹn chưa đầy 470km2, cùng số dân chừng 77.000 người tọa lạc trên phần đất hiểm trở ở Tây Nam Âu, giáp ranh giữa 2 “người khổng lồ” là Cộng hòa Pháp và Vương quốc Tây Ban Nha.

Lịch sử ghi nhận Andorra là một trong những nhà nước độc lập lâu đời nhất ở Âu lục. Điều này gắn liền với tên tuổi của Charles Đại đế (742-814), người vào năm 790 đã trao quyền độc lập cho xứ Andorra, như là một phần thưởng cho những nỗ lực quân sự ủng hộ vương triều của mình.

Còn theo Hiệp định về quyền tự trị có hiệu lực từ năm 1278, ở Andorra song song tồn tại 2 chính quyền chấp pháp, do các quan lại phong kiến vùng Foix và giới linh mục địa phận La Seu dUrgell thuộc xứ Catalonia (Tây Ban Nha) cùng cai quản. Rồi sau vùng Foix sáp nhập vào nước Pháp, do vậy hiện nay Tổng thống Pháp và Tổng Giám mục La Seu dUrgell tiếp tục cùng chỉ đạo đường lối đối ngoại của Andorra - qua các vị đại sứ đặc nhiệm. Còn việc điều hành nội tình đất nước do Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành pháp của Công quốc Andorra đảm nhiệm.

Vị trí địa lý của Công quốc Andorra “kẹp” giữa Pháp và Tây Ban Nha.

Thực ra theo phong tục cũ, dân chúng Andorra vẫn được bầu ra chính quyền riêng của mình, thông qua Hội đồng Toàn dân với 28 thành viên, bao gồm những người đại diện cho 7 khu vực bầu cử trên toàn quốc. Từ năm 1947, nam giới Andorra có quyền đi bầu cử, còn nữ giới thì mãi tới tận đầu thập niên 70 thế kỷ trước mới có được quyền này.

Vào thời gian cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha cũng như trong Thế chiến II, nhà nước Andorra giữ vai trò trung lập giống như Liên bang Thụy Sĩ. Điều này khiến cho hệ thống cơ sở vật chất “khiêm tốn và nhún nhường” của Công quốc Andorra không bị chiến tranh tàn phá. Nhưng phải chăng Andorra luôn lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, do bị “kẹp cứng” giữa 2 quốc gia láng giềng hùng mạnh là Pháp và Tây Ban Nha?

Nền kinh tế Andorra làm sao mà tồn tại được khi chỉ có nước khoáng là món hàng xuất khẩu duy nhất? Vậy mà mức thu nhập bình quân tính theo đầu người của Công quốc Andorra vẫn được liệt vào hàng cao nhất thế giới, với 45.000 USD/năm.

Họ sống bằng gì? Trước hết là nhờ vào chính sách miễn thuế hải quan, lập tức hàng hóa khắp nơi đổ đến với giá... rẻ không ngờ. Trong các thập niên gần đây, du lịch là thế mạnh nổi bật của Công quốc Andorra với hơn 10 triệu lượt du khách mỗi năm. Chính sách đánh thuế nhập khẩu không đáng kể đã tạo nên sự lôi cuốn du khách khắp nơi đổ đến Andorra để mua hàng giá rẻ hơn so với ở nước mình. Hệ thống ngân hàng phát triển cực thịnh cũng nhờ vào chính sách giảm thuế tối đa.

Mặt khác, nhiều công ty và ngân hàng ngoại quốc cũng đặt trụ sở ở đây để khỏi bị đánh thuế cao. Các ngành kinh tế khác đều được nhà nước giảm hoặc miễn thuế. Tại Andorra hiện nay tuy không đánh thuế lợi tức và thuế thu nhập thường niên nhưng một khi nền kinh tế gặp trì trệ, 2 sắc thuế ấy sẽ được áp dụng tức thời theo Bộ luật Tài chính. Khoảng 900 cửa tiệm và các cơ sở dịch vụ khác thu hút tới 1/4 lực lượng lao động cả nước, còn 1/5 dân số Andorra làm việc trong ngành công nghiệp “không khói”.

Du khách muôn phương nườm nượp đổ tới thủ đô Andorra La Vella quanh năm.

Thủ đô nhỏ bé Andorra La Vella luôn chen chúc bởi du khách nước ngoài tới sắm hàng Hong Kong, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Tây Ban Nha... giá rẻ - so với ngay cả tại các chính quốc xuất xứ hàng.

Một nguyên nhân nữa làm giảm gánh nặng ngân sách quốc gia là Andorra không có quân đội riêng, hệ thống nhà tù cũng chẳng có nốt. Những kẻ bị kết án ở Andorra được tùy thích chọn lựa nơi “nằm ấp” là Pháp hay Tây Ban Nha. Ở Andorra bây giờ thậm chí không có cơ quan bưu điện chính thức nữa, tuy rằng tem bưu chính của xứ này rất nổi tiếng và được giới chơi tem toàn cầu hâm mộ. Các dịch vụ bưu chính viễn thông thuộc nội hạt đất nước đều được miễn phí, còn với thư từ hay điện báo đi nước ngoài đều cần phải qua trung gian bưu điện của Pháp hoặc Tây Ban Nha.

Cho tới những năm 1930, nhà nước mini Andorra hầu như bị gián đoạn với thế giới bên ngoài, do mạng lưới thông tin kém cỏi cũng như đường sá cách trở.

Rất nhiều người Tây Ban Nha từ vùng Catalonia di cư tới Andorra. Họ sống chủ yếu ở thủ đô Andorra La Vella, giúp cho việc bảo tồn phong tục cũng như ngôn ngữ Catalan - được coi là thứ tiếng chính thức của Công quốc Andorra. Bây giờ thì đa phần dân chính gốc Andorra lại bày tỏ nỗi lo ngại, rằng người nhập cư sẽ là nguyên nhân làm giảm mức sống của họ.

Sự phân biệt đối xử kỳ thị người nhập cư ngày một nổi rõ trong các giới xã hội. Hiện có khoảng 3.000 người đa phần là dân Bồ Đào Nha đang cư ngụ bất hợp pháp tại Andorra. Trong khi người gốc Tây Ban Nha chiếm tới 60% tổng số dân, họ chủ yếu làm trong các ngành dịch vụ và xây dựng. Còn dân Andorra bản địa chỉ chiếm chưa đầy 15% dân số mà thôi. Quốc tịch Andorra rất khó xin được, ngoại trừ việc kết hôn với công dân bản xứ.

Một tập tục thường niên thể hiện thân phận “tôi đòi” vẫn còn được lưu truyền cho đến tận ngày nay, là cứ mỗi độ Giáng sinh hằng năm, vị Thủ tướng đương nhiệm của Công quốc Andorra lại gửi một chai nước sốt súp gà và một khoản hiện kim cho Tổng thống Pháp, cũng như gửi số quà tương tự cho Tổng Giám mục La Seu dUrgell để đổi lấy sự bảo trợ cho nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của mình (!).

Kim Dung (theo National Georgaphic)
.
.
.