Sông Amazon đã từng chảy ngược?

Thứ Tư, 08/11/2006, 08:00
Con sông lớn nhất thế giới hiện nay là Amazon ở Nam Mỹ, trước đây từng có dòng chảy từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương, tức là cách chảy ngược lại như hiện nay, từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương.

 Đó là kết quả bất ngờ của một bảng khảo sát khoa học, trong đó người ta thấy các lớp đá trầm tích ở phần Nam Trung Mỹ chứa một loại hạt đá khoáng cổ xưa lẽ ra phải đến từ phía đông của Nam Mỹ.

Nhà địa chất học Russell Mapes thuộc Viện đại học North Carolina, cho biết chuyện sông Amazon chảy từ đông sang tây xảy ra cách đây từ 145 triệu năm đến 165 triệu năm. Tuổi của các lớp đá trên lục địa Nam Mỹ khác nhau trên vùng phía đông và phía tây. Đó là đá có tuổi đến 2,5 tỉ năm được tìm thấy ở vùng phía đông còn vùng phía tây thì đá trẻ hơn nhiều, do hoạt động địa chất liên tục của dãy núi Andes.

Nếu ngay từ đầu, sông Amazon liên tục chảy về hướng đông, như hiện nay thì nhiều lớp hạt khoáng chất trẻ hơn đã phải có mặt trong lớp đáy trầm tích của nó, vì chúng được nước đưa xuống từ sườn núi Andes trẻ trung. Giáo sư Mapes cho biết: “Vậy mà chúng tôi không thấy gì hết. Dọc theo lưu vực Amazon, tuổi của các sa thạch lại là tuổi của vùng trung tâm và phía đông Nam Mỹ". Ông cắt nghĩa là các lớp đá trầm tích này có nguồn gốc từ phía đông đã bị quét xuống từ một vùng cao vốn thành hình trong Kỷ Cretaceous, khi đó các địa tầng của Nam Mỹ và châu Phi tách rời nhau ra.

Chuyện hai địa tầng khổng lồ này gãy như thế có thể đã nâng dòng chảy sông Amazon về hướng tây và như thế đã đẩy các lớp trầm tích xưa đến 2 tỉ năm tuổi vào tận vùng trung tâm của lục địa Nam Mỹ. Sau đó một thời gian, có một dãy tương đối không cao, gọi là dãy Purus Arch, nổi lên từ giữa trung tâm Nam Mỹ, chảy dài từ Bắc xuống Nam. Nó chia hai dòng chảy của sông Amazon, khiến một dòng chảy về phía đông hướng về Đại Tây Dương và một dòng chảy về hướng tây đổ ra hướng của dãy núi Andes.

Vào cuối thời kỳ Kỷ Cretaceous, các hạt sa thạch chưa tới 500 triệu năm tuổi bắt đầu lấp đầy cái lưu vực giữa dãy núi Andes phía tây và cái dãy đất cao chạy thẳng xuống vùng trung tâm của lục địa Nam Mỹ.

Sau nhiều triệu năm chồng chất, cuối cùng sông Amazon chảy xuyên qua các lớp trầm tích đó và chảy phía dưới dãy Purus Arch và về phía đông của lục địa Nam Mỹ. Đó là chiều hướng chảy hiện nay của sông Amazon.

Dữ kiện các nhà địa chất mới tìm ra đến từ loại zircon, một loại đá khoáng có thể được định tuổi để xác nhận tuổi của lớp trầm tích chứa đựng nó. Các cuộc nghiên cứu trước đây đã xác nhận kiểu chảy “ngược dòng kỳ lạ” của Amazon, nhưng chỉ trên từng đoạn, còn bây giờ Mapes và người đồng nghiệp Drew Coleman đã đi khắp 80% lưu vực con sông dễ thu thập các mẫu khoáng zircon. Dữ kiện họ mới tìm thấy đã chứng minh lý thuyết “chảy ngược” này là đúng và chứng tỏ cho thấy lúc trước dòng chảy của Amazon đã bị chuyển đổi trên một diện tích hết sức lớn, qua rất nhiều triệu năm

Đan Kô (Theo BBC Science-Nature)
.
.
.