Rắn loài vật linh thiêng của người Ấn Độ

Thứ Năm, 23/08/2007, 16:00
Đối với người Ấn Độ, rắn là một loài vật rất linh thiêng. Ở đây người ta có cả một ngày hội để thả rắn và còn có cả những ông thầy phù thuỷ chuyên về rắn

Thế giới hình thành trên những con rắn

Đối với người Ấn Độ, giết rắn có chủ đích hay tình cờ đều được coi là tội nặng. Ở miền Nam nước này nếu rắn bị giết nhất định người ta tiến hành nghi lễ mai táng. Xác của chúng được phủ vải lụa có trang trí đúng nghi thức, đặt vào một loại thân cây và hỏa thiêu.

Tìm ra một bộ da rắn được coi là điềm tốt ở Ấn Độ. Người tìm được vật quý này nhất định đặt một mẩu da rắn vào ví của mình, vì cho rằng nó sẽ đem lại sự giàu có. Nhiều người Ấn Độ tin rằng trong bụng của rắn hổ mang có những viên đá quý. Họ còn cho là rắn nắm được bí ẩn của những cây cỏ có khả năng chữa bệnh, nhưng giữ kín những điều đó và chỉ tiết lộ cho một số người được chọn - những thầy phù thủy.

Trong ngày thờ thần rắn người ta thả rắn ra tự nhiên ở một làng gần Bombay

Việc một phụ nữ Ấn Độ không có khả năng sinh con nhiều khi được giải thích là do trong cuộc đời hiện nay hay trong kiếp trước người đó đã làm rắn giận. Để được tha tội, Tamila - người đại diện cho dân tộc sống ở miền Nam Ấn Độ và Bắc Sri Lanka, phải làm lễ cầu kinh trước tượng rắn bằng đá.

Người ta kể rằng, ở Radzakhmandi (gần Madras) có đụn mối sạt lở, trong đó có một con rắn hổ mang cao tuổi sống. Hàng đoàn phụ nữ đến khu vực này, họ ngồi hàng giờ cạnh tổ của con rắn với hy vọng được nhìn thấy con vật linh thiêng. Cùng với những phụ nữ trưởng thành, có cả những bé gái còn rất nhỏ tuổi đến hang rắn linh thiêng, để cầu nguyện sau này được trở thành người mẹ hạnh phúc.

 Nghề phù thủy rắn

Đa số người Ấn Độ, khi phát hiện ra rắn dưới mái nhà của mình, không bao giờ dám dùng gậy đánh, mà thường tìm cách “thuyết phục” để rắn rời khỏi nhà một cách hòa bình. Còn nếu những vị khách không muốn nghe lời cầu xin của người, người ta thường mời các phù thủy rắn đến. Và cách hành động như vậy không gây ngạc nhiên cho những người hàng xóm.

Thầy phù thuỷ rắn ở Ấn Độ

Ở Ấn Độ có thể gặp các thầy phù thủy rắn ở khắp nơi. Họ được coi như một phần không thể tách rời của cuộc sống ở đất nước này. Với chiếc sáo thổi tự tạo có hộp cộng hưởng bằng quả bí ngô phơi khô, họ ngồi rất lâu trên các giỏ đan để chờ khách du lịch. Dưới âm điệu huyền bí, những con rắn được huấn luyện thò đầu khỏi giỏ đựng, thổi phì phì một cách đe dọa và căng bọng lên.

Mỗi thầy phù thủy  đều có những động tác của riêng mình trong công việc với các con rắn nguy hiểm. Họ giữ cẩn thận các bí quyết của mình và truyền lại cho con trai. Trong việc này người Ấn Độ không coi điều khiển rắn là một nghề, với họ đó là phong cách sống.

Ở bang Uttar-Pradesh của Ấn Độ có làng Saperagaon của các thầy phù thủy rắn. Tại đó những con rắn nguy hiểm, như hổ mang, lục... có thể sống chung với người trong sinh hoạt hàng ngày. Những đứa trẻ đưa cả rắn hổ mang lên giường như đồ chơi.

Công việc mới  của các phù thủy rắn

Thu nhập trung bình của thầy phù thủy rắn không cao, khoảng 30 - 40 rupi mỗi ngày. Thế nhưng, hầu hết những người hành nghề phù thủy rắn đều bị bệnh phổi nặng. Các bác sĩ khẳng định bệnh này hình thành do phổi bị quá tải khi thổi sáo và phát triển nhanh trong điều kiện khí hậu ẩm ướt.

Đến thời nay thế hệ trẻ không còn bị cuốn hút theo nghề của ông cha và tách dần khỏi sự nghiệp của gia đình.Ở Ấn Độ người ta đã tạo được một số huyết thanh phù hợp để chữa khi bị rắn độc cắn, nhưng không phải lúc nào người ta cũng kịp thời sử dụng thuốc.

Thêm vào đó trong số 216 loại rắn gặp ở Ấn Độ, có đến 52 loại độc, nên ngay cả những người cẩn thận nhất cũng không thể đem sẵn theo chừng đó loại vắcxin. Bởi vậy chỉ còn cách trông chờ vào Chúa và sự thận trọng của bản thân.

Hiện nay ở Ấn Độ trong các cuốn tra cứu số điện thoại và mục quảng cáo trên các báo bạn có thể thấy số điện thoại của các tổ chức chuyên bắt rắn độc. Nhiều người trước đây từng làm phù thủy rắn đã tham gia vào biên chế của các tổ chức này.

Nhiều người hy vọng rằng việc chuyển hướng nghề nghiệp như vậy sẽ có lợi cho các phù thủy rắn và công việc trong các tổ chức cứu hộ của họ trở nên cần thiết cho xã hội.

Hoàng Thương(theo Newsru.com)
.
.
.