Người phụ nữ có trí nhớ hoàn hảo nhất hành tinh

Thứ Tư, 11/04/2007, 15:30
Khoa học đang gặp một hiện tượng lạ: một phụ nữ có trí nhớ hoàn hảo, có thể nhớ được sự kiện mỗi ngày và thậm chí gần như mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất trong đời mình! Khoa học vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời lý giải hiện tượng này.

James McGaugh là một trong các chuyên gia hàng đầu thế giới về hoạt động của hệ ký ức con người. Nhưng hiện nay ông thừa nhận mình đang “bí” trước một hiện tượng lạ.

Một phụ nữ có biệt danh là AJ đã viết cho nhà khoa học một lá thư kể rằng, cô ta có khả năng kỳ lạ là có thể nhớ vanh vách những sự việc nhỏ nhặt nhất xảy ra cách đây 10 năm. Cô bảo, cứ đưa ra một niên đại nào đó bất kỳ là cô có thể nhớ rõ ngày trong tuần, thời tiết hôm đó ra sao, các chi tiết cá nhân trong đời cô cũng như các tin tức chính xảy ra trong ngày đó!

Giống như bất kỳ nhà khoa học ưu tú nào, McGaugh ban đầu rất hoài nghi trường hợp hy hữu này, nhưng đây lại là sự thật! Không lâu sau khi biết được hiện tượng của AJ, nhà khoa học lập nhóm nghiên cứu với sự góp mặt của hai nhà khoa học ở Đại học California - đó là Elizabeth Parker, Giáo sư Khoa Tâm thần và Thần kinh học, và Larry Cahill, Phó giáo sư Khoa Sinh học thần kinh và hành vi. Êkíp của McGaugh bắt đầu phỏng vấn AJ với một loạt câu hỏi và thực hiện các trắc nghiệm tâm lý. Nhưng họ vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác.

McGaugh đã bỏ ra nhiều thập niên để nghiên cứu những yếu tố như stress và hormon đã tác động đến trí nhớ như thế nào, và đầu tiên ông cho rằng các kỷ niệm của AJ mạnh về cảm xúc đến mức cô ta không thể quên được.

Nhưng giả thuyết đó cuối cùng đã không đúng, bởi vì “người phụ nữ không thể quên” này nhớ lại được mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng như các sự kiện trọng đại một cách rõ ràng.

Ví dụ khi được hỏi chuyện gì đã xảy ra vào ngày 16/8/1977, AJ cho biết đó là ngày Elvis Presley chết, không những thế, AJ còn nhớ một sáng kiến thuế ở California được thông qua vào ngày 6/6 năm sau đó, và một chiếc máy bay bị rơi ở Chicago trong ngày 25/5 năm sau nữa v.v...

McGaugh nói: “Đây là một phụ nữ có trí nhớ rất mạnh, cô ta nhớ rất rõ những gì mà tôi cũng không thể nhớ được". Điều đó càng trở nên rõ ràng hơn vào một ngày khi McGaugh hỏi cô ta có biết ca sĩ Bing Crosby là ai không.

“Tôi không chắc AJ biết được, bởi vì cô ta mới có 40 tuổi, và không thuộc thời đại của Bing Crosby”, nhà khoa học nói. Ấy vậy mà AJ đã biết! “Thế cô có biết anh ta chết ở đâu không?”, McGaugh hỏi. “Biết chứ! Anh ta chết trong trận đấu golf ở Tây Ban Nha”, người phụ nữ trả lời ngay và thậm chí còn cho biết cả ngày trong tuần cũng như niên đại lúc ca sĩ qua đời!

Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu AJ liệt kê ra những ngày mà họ đã phỏng vấn chị ta trước đây, thì điều kinh ngạc là chị ta nói ra vanh vách những số liệu theo đề nghị.

Có những giả thuyết khác để giải thích trí nhớ kỳ lạ này của AJ. Như là một số người có khả năng nhớ lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ bằng cách phân loại chúng.

Một số biến cố hay sự kiện, kết hợp với các biến cố khác, và chúng được sắp xếp lại với nhau để có thể dễ dàng ghi nhớ. McGaugh giải thích: “Cô AJ chắc chắn có lối sống rất khắt khe.

Cô ta muốn trật tự trong cuộc sống của mình. Khi còn bé,  cô rất bực mình nếu thấy mẹ thay đổi bất cứ thứ gì trong phòng riêng của mình, bởi vì cô muốn mọi thứ nằm đúng chỗ của nó, đâu vào đấy.

Có lẽ vì thế mà AJ đã phân loại các sự kiện theo niên đại, nhưng điều đó cũng không giải thích được trí nhớ kỳ lạ của cô ta được”.

McGaugh cũng cho biết thêm, trí nhớ của AJ không giống như trí nhớ của bất cứ ai khác được ghi nhận trong sách vở khoa học. Cô AJ cũng rất khác các nhà bác học đôi khi nổi bật lên với các khả năng ngoại hạng trong âm nhạc, nghệ thuật hay ký ức.

Các nhà nghiên cứu đang chuẩn bị công việc của họ theo hướng mới với hy vọng hiểu được sự thật về AJ. Rất có thể bộ não của AJ hoạt động một cách khác với người thường, và điều đó có thể hiện ra qua hình ảnh cộng hưởng từ.

Được biết, cuộc nghiên cứu xét nghiệm não của AJ sẽ được tiến hành vào 6 tháng sau. McGaugh nói: “Chúng tôi sẽ quan sát não bộ của AJ, bằng cách sử dụng các kỹ thuật scan não, để nhìn xem có những gì khác lạ hay không”.

Có lẽ não bộ của AJ có một vài sự “ngắt kết nối” nào đó giúp cho cô ta nhớ lại các sự kiện quá khứ từ ngân hàng ký ức của mình mà không cần sự tương tác giữa các phần trong não hoạt động như là các bộ vi xử lý chung.

Nhưng cho dù có dùng đến phương pháp scan não, các nhà nghiên cứu cũng khó kết luận được trước vấn đề AJ dường như là hiện tượng duy nhất! Các nhà khoa học đã gọi hiện tượng AJ với tên là “hyperthymestic syndrome” - dựa theo từ Hy Lạp thymesis nghĩa là “ghi nhớ” và hyper nghĩa là “hơn mức bình thường” McGaugh nói: "Để giải thích một hiện tượng thì điều trước tiên là phải hiểu được hiện tượng. Chúng ta chỉ đang bắt đầu"

T.T.P. (theo CBS )
.
.
.