Người khiếm thị mơ thấy gì?

Thứ Ba, 21/03/2006, 07:10
Người khiếm thị diễn giải thế giới ban ngày thông qua thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thông qua cảm giác về sự cân bằng và chuyển động. Những người bị khiếm thị bẩm sinh hay bị mù từ hồi còn nhỏ sẽ không có ý niệm gì về việc nhìn bằng mắt.

Các nhà tâm lý học thường xem giấc mơ như là những kinh nghiệm thị giác hầu như độc quyền. Nhưng điều này cũng có nghĩa là chỉ có những người đang có khả năng thấy hoặc đã từng có khả năng thấy thì mới có thể mơ được. Thực ra thì người khiếm thị cũng có những giấc mơ độc đáo theo kiểu của mình và chúng cũng sống động như giấc mơ của người sáng mắt vậy.

Người khiếm thị diễn giải thế giới ban ngày thông qua thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thông qua cảm giác về sự cân bằng và chuyển động. Những người bị khiếm thị bẩm sinh hay bị mù từ hồi còn nhỏ sẽ không có ý niệm gì về việc nhìn bằng mắt. Vì vậy, giấc mơ của họ rất giàu những âm thanh, sự chuyển động,   những hình ảnh thu nhận được qua xúc giác nhưng  thị giác thì hoàn toàn vắng bóng.

Một nghiên cứu trên 67 học sinh khiếm thị ở bang Illinois  do Elinor Deutsch tiến hành đã khám phá ra, rằng ở người mù,  nghe là  kiểu nhận  thức quan trọng nhất, sau đó là sờ bằng tay. Một cô gái nằm mơ mình bị lạc giữa bầy trâu - được diễn  giải qua tiếng kêu rống và tiếng chân của chúng. Một cô gái khác nằm mơ “nghe” mẹ mình đột ngột té xuống đất, xương khớp rơi lộp cộp trên sàn nhà bếp.

Elinor Deutsch - bản thân cũng là người bị khiếm thị bẩm sinh - kể lại một trong những giấc mơ của mình: Bà đang dùng bữa tối cùng với chị gái, anh rể và hai đứa con của họ. Đang ăn thì nổ ra chuyện cãi vã giữa chị và anh rể về việc mua dụng cụ học vẽ cho một đứa con. Sau khi tuôn ra những câu nói giận dữ, anh rể đã thét lên bằng một âm thanh vỡ tung ở yết hầu, rồi vụt đứng dậy, lao vào người chị và vô tình chạm mạnh vào người Deutsch bằng đôi cánh tay đang dang rộng ra của anh. Nhưng trước khi “xuống tay” thật sự với vợ, anh khựng lại, suy nghĩ vài giây rồi bỏ ra ngoài. Deutsch vẫn ngồi yên trên ghế, lắng nghe tiếng thở dài não nuột của chị và tiếng khóc rên rỉ của các cháu.

Giấc mơ này đã được kể lại hầu như hoàn toàn bằng những ý niệm về thính giác và xúc giác. Người mơ nghe tiếng cãi cọ, tiếng càu nhàu tức giận, tiếng thở dài và tiếng kêu khóc  của những đứa trẻ đang trong nỗi sợ hãi. Do cảm nhận được cánh tay đang dang rộng ra của anh rể, Deutsch biết rằng anh ta sắp đánh chị gái mình. Mặc dù trong gia đình Deutsch chưa bao giờ xảy ra thảm kịch bạo lực như vậy, nhưng nó vẫn có thể diễn ra đầy đủ trong giấc mơ của bà.

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Donald Kirtley của Trường đại học Fresno, bang California, đã khám phá ra, rằng những người khiếm thị - cũng giống như những người sáng mắt - thường mơ về những vật thể và những hoạt động nổi bật trong môi trường ban ngày. Những người khiếm thị có di chuyển trong lúc làm việc sẽ mơ  về máy bay, xe taxi, trong khi những người có cuộc sống tĩnh tại thì nằm mơ về khung cảnh thân thuộc quanh mình. Họ cũng thường có những nỗi ưu tư  phiền muộn và niềm hy vọng mang đầy tính nhân bản như: mất chìa khóa, các kỳ thi mà họ chưa được học tập và chuẩn bị, trúng số...

Từ thế kỷ XIX, vấn đề giấc mơ của người khiếm thị đã được quan tâm rất nhiều. Năm 1838, một nhà nghiên cứu người Đức tên là H. Heermann  đã xác định, rằng thời gian giữa lúc được 5 tuổi và 7 tuổi là giai đoạn quan trọng để lưu giữ và sở hữu những giấc mơ thị giác.

Năm 1955, một nhà nghiên cứu người Đức khác -ông H. von Schumann - đã ứng dụng khám phá của Heermann vào một nghiên cứu của những giấc mơ được mô tả trong trường ca Iliad và Odyssey của Homer - người mà theo truyền thuyết cho biết là cũng bị mù. Vì nhà thơ người Hy Lạp này kể về những giấc mộng hầu như toàn là những tín hiệu về thính giác cũng như xúc giác, nên Von Schumann kết luận, rằng Homer  bị mù - và hẳn là mù từ rất sớm trong cuộc đời!

T.H. (Theo Mysteries of the Human Body)
.
.
.