Tôn vinh
Ngoài những thông tin, bình luận về nhiều sự kiện, vụ việc, báo chí còn giới thiệu những tập thể, cá nhân tiên tiến trong mọi lĩnh vực xã hội để biểu dương, tôn vinh khích lệ những nỗ lực trong lao động sáng tạo.
Điều này là cần thiết, đã làm cho nhiều trang báo trở nên sinh động hấp dẫn. Trên nhiều báo chí, nội dung này được tổ chức ở các trang mang những chuyên mục khác nhau: Đối thoại, gặp gỡ, chân dung, khách mời… Bên cạnh những tờ báo luôn cẩn trọng trong việc lựa chọn đối tượng tôn vinh đã có không ít tờ báo tỏ ra tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thậm chí rất phản cảm khi “lăng xê” nhiều cá nhân.
Chắc chắn mọi người đều dễ dàng đồng tình một tiêu chí để tôn vinh bất cứ ai: Đó là cá nhân ấy phải xuất sắc nổi trội, có ảnh hưởng đến phong trào, có sức thuyết phục với số đông người, nêu một tấm gương bài học về một khía cạnh nào đó. Đó chính là vinh quang, vinh hiển của họ. Có vậy mới đáng tôn lên. Thường thì những người đạt được các điều trên dễ nổi tiếng. Song không hoàn toàn như vậy- nhất là ở nước ta khi mặt bằng dân trí chưa cao - thì dễ có ngộ nhận: cứ ai được nhắc đến nhiều là “nổi tiếng”, bất kể người đó có gì đặc biệt hay không. Cho nên mới có tình trạng: cứ lên đài lên báo nhiều thì được coi là “nổi tiếng”. Mặc dù công việc của những người dẫn chương trình (MC), biên tập viên, phát thanh viên, phóng viên luôn phải xuất hiện. Đã có nhiều người lầm lẫn giữa nổi tiếng và quen mặt quen tên. Việc tôn vinh trên báo chí lâu nay đã có nhiều điều khá… kỳ khôi.
Trước hết là không xứng đáng. Có những văn nghệ sĩ rất bình thường về mọi mặt - nếu không nói là yếu kém - về tác phẩm (nếu là người sáng tác), về thể hiện (nếu là người biểu diễn), nhưng đã được một vài tờ báo dành cho cả trang kèm vài chiếc ảnh to đùng để “nghệ sĩ” đó nói về nghệ thuật, về cuộc đời. Trong việc tôn vinh này, đã bộc lộ rõ khuynh hướng “câu khách” của nhiều tờ báo.
Thứ hai là: tuy một số người có tài, riêng về nghệ thuật đã khiến công chúng số đông ghi nhận, thực sự nổi trội, nhưng đời tư lại quá tai tiếng. Họ sống buông thả, ích kỷ, nhiều khi vô lối, nhất là bất chấp đạo lý, những chuẩn mực tình cảm truyền thống để sẵn sàng chạy theo dục vọng cá nhân, làm đau khổ chồng hoặc vợ mình. Điều này có nhiều người biết. Vậy mà vẫn có những tờ báo phỏng vấn họ, để họ nói về hôn nhân gia đình, phán những điều cứ như… thánh. Thật là mỉa mai, trớ trêu, phản cảm khi người sống quá dở, tệ bạc trong đạo vợ chồng, trong ứng xử với cộng đồng lại lên báo răn dạy mọi người về những điều họ đang vi phạm.
Có một vài tờ báo không đến nỗi nào, luôn được coi là loại “mũ cao áo dài”, ít bị chê là có bài vở thuộc loại “lá cải”, đã “com măng” tôi thực hiện viết bài giới thiệu chân dung văn nghệ sĩ. Trước khi viết, để khỏi bị “đổ”, tôi liệt kê một danh sách. Khuynh hướng của tôi là nói đến những người có dấu ấn thực sự trong đời sống tinh thần của công chúng, lại không có những “xì căng đan” nghiêm trọng gây mất uy tín. Nhưng người đặt bài đã bỏ đi khá nhiều tên tuổi và yêu cầu thay bằng một số người mới đang “nổi”, mà tôi cho là nếu công bằng cần chê, phủ nhận họ hơn là nhắc đến, chưa nói đến tôn vinh - nhất lại trên một tờ báo được tiếng là “đứng đắn” “đàng hoàng” như báo ấy (cần nói tôi là típ người hiện đại, chưa bị ai coi là “cổ hủ” bao giờ).
Mới hay, tôn vinh các đối tượng trên báo chí không thể là việc làm tuỳ tiện, chỉ theo sở thích, “gu” riêng của những phóng viên, biên tập viên chưa có được thị hiếu, cao sang, chưa hiểu biết sâu rộng lĩnh vực mình đảm trách. Mới hay các Trưởng ban biên tập, rồi Ban biên tập - những người duyệt bài - cần chặt chẽ hơn trong việc “lăng xê” các đối tượng trên báo chí. Trong khi còn rất nhiều người vừa có tài vừa có tâm, được nhiều công chúng ngưỡng mộ, trân trọng thực sự, có ảnh hưởng cho phong trào chưa được nhắc đến thì một số báo chí dành quá nhiều diện tích để “quảng cáo” cho những đối tượng chưa xứng đáng như đã nói. Liệu có thể coi đây là điều cần uốn nắn trong những kỳ họp giao ban báo chí dành cho các Tổng biên tập của cơ quan báo chí, bên cạnh những sai phạm chính trị khác.