Tìm văn hóa trong môi trường văn hóa
Mới đây, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương, đồng thời cũng là một giảng viên của khoa "Jazz, Pop, Rock và âm nhạc công nghệ" tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã đăng bài tố cáo hành vi lệch chuẩn của một giáo viên cùng khoa. Do bất đồng quan điểm với cách làm bài tập của sinh viên, nữ giáo viên này đã nổi nóng, có lời lẽ xúc phạm và ném thẳng điện thoại về phía người đang ghi hình mình.
Thực tế, xem một đoạn video và đọc lời kể lại của một phía, chúng ta chưa thể nói hết cặn kẽ đúng - sai của từng cá nhân trong sự việc. Tuy nhiên, hành vi thể hiện ra ngoài của nữ giáo viên kia là không thể chấp nhận được. Về phía người được xem là nạn nhân, chúng ta cũng nên có đánh giá đúng mực. Ở thời đại công nghệ này, con người ỉ vào phương tiện (điện thoại thông minh) và nền tảng mạng xã hội quá nhiều nên dễ có xu hướng sẵn sàng ghi hình người khác nhằm "bóc phốt" mà quên mất rằng việc ghi hình chưa được sự đồng ý cũng là trái pháp luật.
Đáng nói, các hành động thiếu văn hóa đó lại đang nghiễm nhiên diễn ra ở một môi trường văn hóa, nếu không nói là đáng được xem là cần có văn hóa nhất: môi trường giáo dục nghệ thuật. Và chuyện hành xử với nhau như thế nào ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã được bàn tán trong giới suốt nhiều năm qua chứ không phải chỉ câu chuyện mà Lưu Thiên Hương chia sẻ, một cá biệt kiểu "con sâu làm rầu nồi canh".
Cách đây chưa lâu, một học sinh của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, trong giờ giảng của một giảng viên xuất sắc, tận tâm nhưng khá nghiêm khắc, đã tỏ ra rất hỗn láo khi công khai chửi thầy giáo. Hành vi của học sinh này đã được lập biên bản dưới sự làm chứng của nhiều bạn học khác. Người thầy giáo, theo đúng thủ tục, gửi trả học viên về cho Ban giám hiệu. Nhưng cách xử lý lại vô cùng trái khoáy. Trước mặt vị giảng viên kia, Ban giám hiệu hoàn toàn làm ngơ khi phụ huynh của học viên kể trên cùng vào hùa với con mình xúc phạm người thầy. Thái độ của Ban giám hiệu cuối cùng chỉ là một kết luật rất phũ phàng: "Nếu anh cảm thấy không dạy được ở đây thì anh cứ làm đơn xin nghỉ, chúng tôi duyệt luôn".
Nhiều năm qua, điều tiếng về Nhạc viện TP Hồ Chí Minh không ít. Ngay từ thái độ trịch thượng của bảo vệ cơ sở trước khách tới cơ quan cũng đã để lại ấn tượng xấu với nhiều người, thậm chí có cả những người từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tham gia chấm giám khảo ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Thái độ học tập của sinh viên Nhạc viện thì thiếu nghiêm túc, chủ yếu chỉ tập trung vào mục đích đi diễn ở showbiz và cho rằng chừng đó kiến thức là đủ. Trong khi đó, thái độ của Ban giám hiệu thì thỏa hiệp, thiếu độ khắt khe cần thiết. Chính vì vậy, dù có trong tay không ít giảng viên giỏi, chất lượng đào tạo của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh vẫn ngày càng đi xuống.
Trong bối cảnh âm nhạc TP Hồ Chí Minh ngày càng thua kém so với Hà Nội, đặc biệt ở nhạc cổ điển, thính phòng, việc chất lượng đào tạo của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh là một vấn đề lớn mà chính quyền thành phố rất cần quan tâm. Và để có được chất lượng đào tạo tốt, rất cần một thái độ tiếp cận việc dạy và học nghiêm túc, có văn hóa, có sự tôn trọng, có sự chấp nhận khổ luyện trước khi nghĩ đến việc bay nhảy kiếm tìm danh vọng ngoài thị trường. Sự quản lý sinh viên thiếu chặt chẽ đã khiến nhiều sinh viên Nhạc viện có mặt trên các sân khấu cafe, phòng trà nhiều hơn có mặt trên giờ giảng dạy và bài kiểm tra vì thế cũng được thực hiện rất đối phó. Hơn nữa, chất lượng đầu vào dễ dãi hơn xưa càng khiến nhiều người nghĩ rằng Nhạc viện là một cánh cửa quá dễ mở trong khi lẽ ra nó cần phải là khắt khe bậc nhất khi chủ trương là đào tạo ra những nghệ sĩ trình độ, đẳng cấp nhất.