Thiết kế bìa sách: "Y phục xứng kỳ đức"

Thứ Hai, 23/05/2022, 21:01

Cách đây vài năm, một nghiên cứu sinh đã bảo vệ luận án tiến sĩ với luận án mang tên“Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005-2015 ở Việt Nam”. Nhiều người bức xúc cho rằng đề tài này chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ. Thật là nệ hình thức, không thực chất. Thế mới biết vai trò bìa sách trong mắt độc giả mờ nhạt mức nào. Vậy bìa sách xứng đáng ở tầm nào và có thực sự là một câu chuyện nghiêm túc hay không?

Có những cái giật mình không hề nhẹ. Thí dụ như sách tham khảo về toán các lớp 6, 7, 8, 9 của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh có phần bìa làm độc giả đứng tim khi cho hình bìa là nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết và một số tượng đài các anh hùng. Chắc chúng ta chưa quên bìa cuốn sách luật lại ghép mặt nghệ sĩ Công Lý.

Thiết kế bìa sách:
Tọa đàm nghệ thuật bìa sách 2022.

Một chi tiết trong bìa sách thay đổi cũng có thể gây bất lợi cho việc phát hành. NXB Bloomsbury đã khiến độc giả phẫn nộ khi đổi ảnh bìa cuốn “Liar” của nhà văn Justine Larbalestier từ một cô gái da màu thành cô gái da trắng. Nhân vật chính trong câu chuyện là một cô gái da đen. Độc giả cho rằng NXB đã phân biệt chủng tộc. Sức ép của người đọc đã khiến NXB buộc phải thiết kế lại, thay bìa chính xác với nội dung.

Có hiện tượng, những đơn vị mua sách của đơn vị khác về rồi “độ” thêm bìa mới, bán với giá cao hơn. Thoạt tiên thì có vẻ là một việc vi phạm bản quyền dễ xử lý nhưng sự thực là khó hơn dự kiến. Người mua sách đã trả tiền. Họ có quyền mua bán cái họ đã mua. Dù xử lý được hay không thì cũng phải hỏi một câu: Bìa sách là gì mà sự có mặt của nó lại thay đổi giá bán sách?

 Để minh định việc thiết kế bìa một cách xứng đáng hơn, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm nghệ thuật bìa sách 2022 và một số buổi tọa đàm về thiết kế bìa sách.

Định nghĩa thế nào là một bìa sách tốt được phân tích dưới nhiều góc nhìn. Họa sĩ Lê Huy Văn cho rằng một bìa sách tốt phải có tiêu chuẩn “3D”. Đó là Đúng - đẹp - độc. Chuyển tải chính xác nội dung là đúng. Tạo nên rung cảm là đẹp. Dấu ấn cá nhân độc đáo không trùng lắp với các thiết kế khác là độc.

Thời công nghệ số với máy tính có thể thay cả xưởng sắp chữ chì thì việc làm bìa trở nên dễ dàng với bất kỳ ai. Các hiệu ứng do máy tính giúp đỡ khiến bìa trở nên hào nhoáng không giới hạn. Họa sĩ U80 Lê Huy Văn nói tôi nhìn các tác phẩm của triển lãm lần này toàn “pháo” tầm xa, tầm gần mà tôi chỉ có “súng lục”. 

Họa sĩ khiêm tốn thì vậy chứ “súng lục” chính là đôi mắt và bàn tay vàng trong đồ họa. Những năm kháng chiến, bao cấp, nghề in còn thô sơ. Khi ấy việc vẽ chữ (dân đồ họa gọi là vẽ chữ không phải viết) bằng bút lông và bút kim phải làm rất ke. Ke nghĩa là mép chữ nét thẳng căng như in. Để dễ hình dung thì tất cả chữ ghi trên các thiết bị điện gia dụng dù nhỏ đến đâu cũng đều dùng tay vẽ mà thôi. Nếu cần chữ nuột nà hơn nữa thì có một cách là vẽ gấp đôi rồi chụp thu đúng chuẩn khổ sách. Thú vị hơn, việc làm tay khiến độc giả có thể cảm thấy được đôi tay của họa sĩ có sự lay động của tính thủ công. Thời xưa họa sĩ phải tự tách màu trên giấy can để in 2 màu hoặc 3 màu. Nói đến thiết kế bìa thì không phải ai cũng làm được vì mấy họa sĩ kẻ được chữ một cách tinh tươm. Làm bằng tay nên phải cân nhắc bố cục cẩn thận bởi việc làm lại không nhanh như cái lệnh undo (Ctrl +Z) trên bàn phím bây giờ.

Bìa sách trước tiên cần chuyển thông điệp cho người đọc sao cho nhanh nhất. Vì vậy đồ họa chữ được đề cao. Khi công nghệ máy tính hỗ trợ thì từ ý tưởng đến thực hiện nhanh gấp trăm lần thời chế tác thủ công. Máy tính có sức mạnh vừa tuyệt vời vừa tai hại là có thể thay đổi dễ dàng. Chính vì thế, người thiết kế có thể không cần nghĩ sâu trước khi bấm chuột. Từ đó kiểu chữ trên bìa có xu hướng bị lạm dụng và trở nên rập rạp, xấu xí hơn. Việc cân đối giữa vẽ tay kết hợp công nghệ thường dẫn tới thành công.

Thiết kế bìa sách:
“Chiếc bát mang hình thế giới” - bìa Lê Tâm.

Họa sĩ Hữu Khoa có thời 5 năm liền vẽ 90% số bìa cho Công ty Nhã Nam. Bìa của anh rất hấp dẫn và hầu hết là vẽ tay. Mỗi cái bìa anh vẽ hết khoảng từ 3 tới 5 ngày. Nếu là sáng tác tranh thì thoải mái thể hiện phong cách của bản thân nhưng bìa sách thì mỗi cuốn phải tìm ra một phong cách phù hợp. Hàng trăm cuốn là hàng trăm phong cách khác nhau. Dường như cái tôi của người thiết kế bìa sách ẩn mình làm bệ phóng cho thông điệp của nội dung.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi của NXB Phụ nữ cho rằng vì những tư duy khác nhau mà nhiều chuyện cơm không lành canh không ngọt vẫn xảy ra thường xuyên. Biên tập viên quan điểm thế này, họa sĩ góc nhìn thế nọ, Tổng biên tập định hướng thế khác. Ít khi tư duy gặp nhau. Có một cuốn là “Phu nhân Tổng thống Pháp” thì từ khi Tổng thống Pháp đắc cử nhiệm kỳ 1, đến bây giờ trúng cử nhiệm kỳ thứ 2 rồi, cuốn sách vẫn chưa ra được. Lý do chỉ vì cái bìa, Tổng biên tập yêu cầu bìa phải có bức ảnh toát lên vẻ tự do, thông thái của phu nhân. Tìm ảnh trên mạng thì có hạn và chất lượng không theo ý mình. Người cần nghe nhất những ý kiến này là những Giám đốc, Tổng biên tập của các nhà xuất bản.

Tiêu chí đẹp là một điều tranh cãi vô tận. Họa sĩ Trần Hoài tin rằng vẻ đẹp chỉ nằm trong “đôi mắt kẻ si tình” nhưng họa sĩ Lê Tiến Vượng thì khẳng định phải có hệ tiêu chí chứ không thể mơ hồ. Chắc chắn cái đẹp có vai trò quan trọng và thậm chí mang lại tiền. Có hai nhà xuất bản làm cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”. Một NXB làm bìa kém chất lượng, bán không được. Dù xót tiền đã đầu tư đến mấy cũng phải quyết định bóc bìa cũ, đặt họa sĩ giỏi làm đẹp hơn. Kết quả lại bán chạy.

Họa sĩ Lê Tâm, Báo Công an nhân dân tin rằng bìa sách gánh vai trò quảng cáo, tiếp thị trúng mục tiêu phân khúc thị trường để độc giả dễ nhận dạng và có cảm hứng để mua.

Tuy vậy, vai trò của người làm bìa cũng không được nhìn đúng mức. Có lần một người đặt hàng đề nghị vẽ giúp bìa của NXB của mình bởi thực trạng các bìa sách đều có thể gọi là khô khan như bảng nội quy. NXB kể trên đánh giá bìa đẹp nhưng lại trả với nhuận bút rất thấp kiểu bìa yếu. Người đặt hàng nói với vị trưởng phòng của NXB rằng nhuận bút bìa đẹp sao trả thấp bằng bìa xấu? Trưởng phòng đáp: Họa sĩ thì cần gì tiền. Người đặt hàng nói: Thôi cũng được. Anh chuyển sách biếu để tôi gửi họa sĩ. Trưởng phòng kia bảo họa sĩ vẽ bìa không có tiêu chuẩn sách biếu. Hỏi lý do thì trưởng phòng đáp đơn giản: Họa sĩ thì cần gì sách.

Tiền bối Lê Huy Văn nói bìa sách thời gian khổ của thế kỷ 20 nhuận bút bằng nửa tháng lương. Con cháu ở thế kỷ 21 nghĩ bụng, bây giờ mức nhuận bút nửa tháng lương là điều viễn tưởng.

Nói vậy thôi có NXB đã từng trả cho một họa sĩ thiết kế bìa 1.000 USD. Rất tiếc, trường hợp này là một họa sĩ nước ngoài. Mức nhuận bút của họa sĩ Việt vẫn còn chưa xứng với lợi ích mà họ mang lại.

Hình thức không vô nghĩa. Thường thì mọi hình thức đều xuất phát từ nhu cầu. Thí dụ những năm báo phương tây mới ra đời thì khổ báo to để phủ trên mặt bàn làm việc của một quý ông. Khi có nhu cầu đọc trên tàu điện, xe buýt thì báo có xu hướng nhỏ lại cầm vừa tay như khổ A3 rồi A4. Sách cũng vậy. Những cuốn sách lớn, bìa da trong lâu đài chỉ để lập kỷ lục. Sách người ta dễ mua nhất là sách bỏ túi. Loại sách bỏ túi nhiều nhất là khổ 13x19 (cm). Loại nhỏ hơn là 10x15(cm)

Sách bỏ túi ra đời vào đầu thế kỷ 20. Tới những năm 1940, giám đốc thư viện quân đội Mỹ Raymond L. Trautman đã quyết định mở một chiến dịch quyên góp sách có tên“Những cuốn sách vinh quang”. Có không ít những cuốn sách bìa cứng và dày cộm được đem đến, nhưng nó quá nặng cho hành trang một người lính.

Năm 1943, cùng với nghệ sĩ đồ họaH. Stanley Thompsonvà NXBMalcolm Johnson đề xuất ý tưởng làm sách Phiên bản phục vụ quân đội.

Những cuốn sách này phải dễ bỏ túi và bìa mềm. Có loại kích thước bằng một tấm bưu thiếp, vừa với túi áo ngực và loại lớn hơn cho vừa túi quần. Từ 1943 tới 1947, quân đội Mỹ đã gửi 123 triệu bản sao của 1.000 đầu sách cho quân nhân tại nước ngoài, giải quyết rất lớn nhu cầu cân bằng tinh thần.

Chỉ từ thiết kế có thể thay đổi đời sống văn hóa đọc là sự thật. Khi máy in mới ra đời, mọi cuốn sách chưa có bìa. Sau người ta làm bìa lót, bìa da cứng. Để bán chạy, một băng giấy in tóm tắt truyện được khoác ra bên ngoài sách. Phần trang trí này được gọi là áo bìa và trở thành bìa như ngày nay. Để cho bìa và nội dung hòa hợp để “y phục xứng kỳ đức” cần một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và ngay bây giờ ý tưởng người thiết kế nên được lắng nghe.

Mỹ An
.
.
.