Tạo nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Thứ Tư, 03/01/2024, 17:24

Việt Nam có 54 dân tộc, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng, với sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, cộng với những ưu đãi về thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú có thể trở thành những chất liệu quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, kế thừa, bổ sung, hoàn thiện thể chế để văn hóa được phát triển và có thể trở thành nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực để phát triển đất nước. Tuy nhiên, nền văn hóa Việt Nam chưa theo kịp được xu thế phát triển cũng như đòi hỏi của thời đại.

094627-thu-tuong-chu-tri-hoi-nghi-toan-quoc-ve-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa.jpg -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Các quốc gia phát triển có thu nhập càng cao thì luôn đề cao văn hóa và đều có nền công nghiệp văn hóa phát triển, bởi văn hóa đóng góp lớn vào GDP, tạo ra số lượng việc làm lớn, ổn định và bền vững, tạo ra "sức mạnh mềm", gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cho nên Việt Nam cần phải biến giấc mơ công nghiệp văn hóa thành hiện thực, góp phần kiến tạo văn hóa tương lai của một nền kinh tế phát triển có thu nhập cao để đảm bảo các lợi ích lâu dài.

Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào ngày 22/12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra một số hạn chế, trong đó có việc công nghiệp văn hóa chưa tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thật hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi trước mắt khoảng 20 đến 30 nghìn tỷ đồng cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Nhiều câu hỏi đặt ra: Đã là bộ phận cấu thành của nền kinh tế thì nó phải được đối xử bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; phải phân loại rạch ròi đâu là đầu tư công với đầu tư tư nhân. Nếu là đầu tư công thì phải đạt được kết quả gì? Nếu là tư nhân thì được ưu đãi đến đâu? Ngành công nghiệp văn hóa sẽ làm ra tiền cho nhà nước như các ngành công nghiệp khác hay sinh ra để tiêu tiền nhà nước?...

Những băn khoăn trên không phải là không có lý do vì Việt Nam đã chậm chân và sẽ gặp khó khăn hơn nhiều nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Một bài học đơn giản: "Khi phải đối mặt với thách thức, thực hiện từng bước nhỏ sẽ hiệu quả hơn là làm những việc lớn". Dù chậm chúng ta vẫn phải quan tâm, coi trọng xây dựng cơ sở thị trường văn hóa, nhất là hệ thống pháp luật về thị trường văn hóa nhằm tạo thuận lợi cho công nghiệp văn hóa phát triển. Tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua các chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế; kiên quyết đấu tranh với các hoạt động kinh doanh văn hóa phi pháp, từng bước hình thành cơ chế quản lý văn hóa có lợi cho thị trường văn hóa và công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh.

Từ những quy định mang tính pháp lý sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong công nghiệp văn hóa. Từ các cuộc triển lãm, buổi biểu diễn, các sự kiện văn hóa cho đến các đề án, dự án có thể được tổ chức chung với sự đóng góp tài chính từ cả nguồn tài trợ, hợp tác công và tư nhân mang lại lợi ích đa dạng cho cả hai phía và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực văn hóa.

Công nghiệp văn hóa muốn phát triển còn cần sự hợp tác chặt chẽ, hoạt động liên thông giữa các ngành văn hóa dân gian, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc, triển lãm, sân khấu, du lịch, ẩm thực, thời trang... tạo ra các giá trị độc đáo lan tỏa cho cộng đồng là yếu tố quan trọng. Các hoạt động "lấy thu bù chi" và kinh doanh có lãi chính là sự đổi mới cơ chế cung - cầu xuất hiện trong lĩnh vực văn hóa đã thức tỉnh ý thức thị trường của người làm văn hóa. Thị trường văn hóa đã dần phát triển cùng với ý thức xây dựng ngành công nghiệp văn hóa từng bước được hình thành. Thị trường văn hóa có phát triển tốt đẹp và có trật tự lành mạnh hay không trực tiếp quyết định sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm có những bước phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, ngoài đầu tư tài chính thì cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đổi mới đến hành động đột phá trong cách làm mới mong xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững". Trong khuôn khổ một hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam không thể giải quyết được tất cả các vấn đề đặt ra, nhưng tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ vững tin hơn, có khí thế mới, động lực mới trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo ra "làn sóng Việt Nam" ra thế giới; qua đó thể hiện tài năng, khát vọng vươn lên của con người Việt Nam.

Cù Tất Dũng
.
.
.