Tạo hứng khởi sáng tác trên nền tảng công nghệ số

Thứ Bảy, 28/12/2024, 19:33

Trong cuộc giao lưu và làm việc vào trung tuần tháng 12/2024 với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng một số tác giả và dịch giả Việt Nam, ông Ankur Mishra - một tác giả và là doanh nhân Ấn Độ chia sẻ khá nhiều thông tin thú vị về mô hình Kavishala mà ông là người sáng lập.

Kavishala là gì? Nói gọn thì đấy là một không gian trên nền tảng số để các tác giả chia sẻ tác phẩm, kết nối với những người cùng chí hướng, tham gia các hội thảo, thảo luận trực tuyến và trực tiếp nhằm trau dồi kỹ năng viết. Mô hình này chú trọng việc phát triển tài năng thơ văn trẻ, cho nên các tác giả mới, chưa được nhìn nhận qua tác phẩm của họ, có thể nhận được cơ hội và sự hỗ trợ để bổ sung kiến thức cần thiết.

ch%3f t%3fch h%3fi nhà van vi%3ft nam trong bu%3fi g%3fp g%3f các nhà van - d%3fch gi%3f d%3fn t%3f %3fn ð%3f t%3fi hà n%3fi .jpg -0
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong buổi gặp gỡ các nhà văn - dịch giả đến từ Ấn Độ tại Hà Nội.

Ở góc độ kỹ thuật thì mô hình Kavishala là sự kết hợp thành công giữa công nghệ và nghệ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nền tảng văn học trong thời đại kỹ thuật số - vấn đề rất đáng để suy nghĩ đối với văn học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang tập trung đẩy mạnh công nghệ số.

Cần nhìn một chút vào lịch sử của mô hình Kavishala để thấy có kinh nghiệm gì hay.

Trước hết, nói về Ankur Mishra. Đây là tác giả trẻ (sinh 1990) nhưng đã có 7 cuốn sách văn học được độc giả ở Ấn Độ ghi nhận. Ankur Mishra bắt đầu sự nghiệp của mình không phải bằng văn chương mà như một chuyên gia công nghệ thông tin (IT). Chỉ sau khi tốt nghiệp cử nhân công nghệ (B.Tech) chuyên ngành Kỹ thuật Khoa học máy tính và hoàn thành chứng chỉ khởi nghiệp từ Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), Ankur Mishra mới quyết định trở thành doanh nhân và nhà văn toàn thời gian. Đến năm 2017, Ankur Mishra mới bắt đầu lấn sân vào nền tảng nội dung số với Kavishala và dẫn dắt thành công nhiều nền tảng công nghệ tiếp thị số.

"Tôi bắt đầu Kavishala như một nền tảng viết cá nhân. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được email từ người khác yêu cầu xuất bản tác phẩm của họ" - Mishra kể lại chuyện khởi đầu của thành lập mô hình Kavishala và cho biết thêm là thời điểm đó, dù mạng xã hội và việc tự xuất bản đã khiến mọi việc dễ dàng hơn, nhưng các nhà văn ở vùng sâu vùng xa tại Ấn Độ vẫn gặp khó khăn trong việc làm thế nào được bạn đọc chú ý, đặc biệt là các tác giả trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong cả sáng tác lẫn xuất bản.

 Là nhà văn, từng tham gia các sự kiện văn học, Ankur Mishra nhận ra rằng không có nền tảng nào quảng bá các nhà văn hoặc nhà thơ mới, cả trực tuyến và ngoại tuyến, trong khi các nền tảng cũ chỉ tập trung vào các tác giả nổi tiếng. Năm 2017, trên nền tảng trang mạng xã hội của mình, Mishra chấp nhận các yêu cầu đăng bài và tự tạo hồ sơ cho từng tác giả, sau đó thu hút thêm nhiều đối tượng khác trên khắp Ấn Độ và lan tỏa ra cả nước ngoài.

"Mục tiêu chính của Kavishala là đưa kho tàng văn học phong phú của Ấn Độ lên mạng. Chúng tôi không phân biệt ngôn ngữ hay hình thức. Thơ, văn xuôi, truyện và mọi tác phẩm văn học khác đều có thể được xuất bản trên Kavishala" - Ankur Mishra chia sẻ và nói rõ là hiện tại Kavishala có hơn với 30 triệu lượt truy cập mỗi ngày từ Ấn Độ và cả nước ngoài, tập trung quảng bá tác phẩm, cung cấp những đối thoại mở giữa tác giả và độc giả, qua đó tăng tương tác và học hỏi lẫn nhau thông qua 80% nội dung được đăng tải bằng tiếng Hindi, 10% bằng tiếng Anh, 5% bằng tiếng Urdu và phần còn lại bằng 11 ngôn ngữ khác.

 "Kavishala không chỉ là một nền tảng, mà còn là một cộng đồng giúp hồi sinh niềm yêu thích văn học trong thời đại số" - Mishra kết luận và còn khẳng định: "Nếu tôi, một người chủ yếu nói tiếng Hindi, giờ đây có thể nói chuyện trên các sân khấu lớn, viết sách, blog và lan tỏa ở quy mô rộng lớn như vậy, thì ai cũng có thể làm được. Một mình ở một thành phố xa lạ, chỉ đủ tiền để ăn qua ngày, tôi đã sống sót và như thế nghĩa là bạn cũng có thể".

Như vậy là chúng ta đã rõ về sự tuyệt vời trong việc đưa công nghệ số vào quảng bá, giới thiệu tác phẩm văn học và nâng đỡ sáng tác, đặc biệt với những tác giả trẻ, tác giả ở vùng sâu vùng xa. Đời sống văn học của Việt Nam ta cũng có nhiều điểm tương đồng với Ấn Độ, và nhà văn Việt Nam nói chung, tác giả trẻ nói riêng, cũng rất cần một mô hình như Kavishala.

"Ai cũng có thể làm được". Ankur Mishra nói đúng, nhưng làm được như Ankur Mishra thì không dễ. Nhìn vào Việt Nam ta thì thấy rất rõ, bởi các nhà văn ta từ già tới trẻ hầu như đều là những Facebooker, Blogger, rồi các cấp hội cũng đều có các trang mạng, nhưng để nói đến một "sân chơi" hứng khởi kiểu như Kavishala thì thật sự là chưa đủ.

Kinh phí vốn là chuyện khó khăn muôn thuở đeo đuổi văn chương, nhưng nay thì có lẽ không khó, nhất là khi Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt. Nhưng, muốn dùng được nguồn vốn từ các chương trình của chiến lược này thì phải có những đề án, dự án rõ ràng, thuyết phục cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, chứ không phải chỉ dừng lại ở những gói hỗ trợ sáng tác và những giải thưởng mà đôi khi chưa trao là đã "nóng" trong dư luận.

Lương Duy Cường
.
.
.